G7 chung sức cạnh tranh Vành đai Con đường của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Các lãnh đạo G7 chụp ảnh lưu niệm chung ở Carbis Bay. (Ảnh: Reuters)
Các lãnh đạo G7 chụp ảnh lưu niệm chung ở Carbis Bay. (Ảnh: Reuters)
TPO - Các nước G7 sẽ tìm cách cạnh tranh với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc bằng việc công bố một kế hoạch hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ hôm nay cho biết.

G7 đang cố gắng tìm ra cách hành động nhất quán trước một Trung Quốc ngày càng quyết liệt nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng.

Reuters dẫn lời quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng Mỹ cũng sẽ thúc giục các lãnh đạo khác trong G7 phải có “hành động cụ thể đối với vấn đề lao động cưỡng ép” ở Trung Quốc, và sẽ lên án Bắc Kinh trong tuyên bố chung được đưa ra sau thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở miền tây nam nước Anh lần này.

Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) trị giá nhiều nghìn tỷ đô la của Trung Quốc được triển khai từ năm 2013 để rót vốn cho các công trình hạ tầng từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa.

Đã có hơn 100 quốc gia ký thoả thuận với Trung Quốc để phát triển các dự án như đường sắt, cảng biển, đường cao tốc và những hạ tầng khác trong khuôn khổ BRI.

Những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc muốn tạo ra phiên bản hiện đại của Con đường tơ lụa cổ để kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang dẫn đầu trong nhiều công nghệ mới.

Lãnh đạo các quốc gia G7, gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản, muốn nhân cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng ven biển Carbis Bay lần này để thể hiện với thế giới rằng câu lạc bộ của các nền dân chủ giàu có có thể tạo ra lựa chọn khác để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Quan chức Mỹ nói rằng cho đến bây giờ, phương Tây vẫn chưa thể đưa ra một lựa chọn tích cực cho “sự thiếu minh bạch, tiêu chuẩn thấp về lao động và môi trường, và cách tiếp cận bắt nạt” của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia.

“Vì thế, ngày mai chúng tôi sẽ thông báo việc ‘xây dựng thế giới tốt đẹp hơn’, một sáng kiến hạ tầng toàn cầu mới với các đối tác G7 mà không chỉ là lựa chọn thay thế cho BRI”, vị quan chức nói.

Theo số liệu của hãng Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, đã có hơn 2.600 dự án với tổng chi phí 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan đến BRI được triển khai, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi giữa năm ngoái nói rằng khoảng 20% số dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch.

Hồi tháng 3, ông Biden cho biết ông đã gợi ý với Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước chủ nhà của thượng đỉnh G7 năm nay, rằng các quốc gia dân chủ phải có kế hoạch cạnh tranh với BRI.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG