Vành đai - Con đường và toan tính của Trung Quốc

Tàu tấn công đổ bộ Changbai Shan của Trung Quốc từng tận dụng các cảng thương mại để tái nạp nhiên liệu ở Thái Lan. Ảnh: Wikimedia Commons.
Tàu tấn công đổ bộ Changbai Shan của Trung Quốc từng tận dụng các cảng thương mại để tái nạp nhiên liệu ở Thái Lan. Ảnh: Wikimedia Commons.
TP - Việc Bắc Kinh thâu tóm hơn chục cảng biển trên khắp Ấn Độ Dương là một nỗ lực của nhà nước nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị và phạm vi hoạt động quân sự.

Lãnh đạo Trung Quốc luôn giới thiệu sáng kiến Vành đai - Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD là để thúc đẩy thương mại cùng thắng, có thể đem lại hạ tầng hiện đại và thịnh vượng cho các vùng chưa phát triển của thế giới. Trên thực tế, việc Bắc Kinh thâu tóm hơn chục cảng biển trên khắp Ấn Độ Dương là một nỗ lực của nhà nước nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị và phạm vi hoạt động quân sự của Trung Quốc từ biển Đông sang đến tận Đông Phi, theo một nghiên cứu chi tiết vừa được công bố.

Tổ chức phi chính phủ C4AD (trụ sở tại Mỹ) khi thực hiện nghiên cứu đã phân tích 15 thỏa thuận cảng biển của Trung Quốc trên khắp vùng Ấn Độ Dương. Kết luận mà nghiên cứu rút ra là: Ngược với những gì Bắc Kinh tuyên truyền công khai, giá trị kinh tế của các dự án này còn nhiều hoài nghi, sự kiểm soát chính trị gần như là tuyệt đối, và một trong những động lực chính của sáng kiến là giúp hải quân Trung Quốc củng cố cơ sở hậu cần ở những nơi xa dưới vỏ bọc các hoạt động thương mại có vẻ vô hại.

“Xu hướng trên khắp các cảng mà chúng tôi nghiên cứu dường như chỉ ra rằng, Trung Quốc không theo đuổi ý tưởng ‘cùng thắng’ mà mang mục đích khác”, ông Devin Thorne, một trong các tác giả của báo cáo, nói.

Dân sự trước, quân sự bước theo sau

Những dự án tương tự từ Campuchia đến Pakistan củng cố mối lo ngại rằng Bắc Kinh đang sử dụng các đầu cầu kinh tế cho mục đích chính trị và quân sự. Điều gây lo ngại cách đây mấy năm giờ đã trở thành hiện thực. Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân có liên quan đến chính trị để tạo nên một mạng lưới cơ sở hạ tầng được thiết kế nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần cho các tàu chiến Trung Quốc hoạt động trên Ấn Độ Dương, báo cáo viết, dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc nói rằng, sáng kiến này sử dụng cách tiếp cận “dân sự trước, sau đó đến quân sự” để phát triển hệ thống cảng trên khắp khu vực.

Các tàu chiến Trung Quốc đã và đang tận dụng năng lực lưỡng dụng của các cảng thương mại, được hỗ trợ bởi luật quy định những công ty vận tải Trung Quốc làm ăn ở nước ngoài phải hỗ trợ các tàu hải quân nước này. Năm 2016 tại Thái Lan, tàu Changbai Shan khi cập cảng đã nhờ vào một công ty Trung Quốc hoạt động ở đó để sử dụng dịch vụ tái nạp nhiên liệu “một lần dừng”, báo cáo của C4ADS viết.

“Chúng ta đã làm sâu sắc hơn sự kết nối giữa các lực lượng quân sự và dân sự, tận dụng tối đa lợi thế của các nguồn lực thương mại ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ chất lượng cho các tàu chiến của quê nhà”, một tạp chí tiếng Trung từng dẫn lời vị tổng giám đốc không được nêu tên của một công ty Trung Quốc phục vụ tàu Changbai Shan. Chỉ huy tàu này nói rằng nói rằng bất kỳ nơi đâu có các công ty Trung Quốc thì sẽ có sự bảo đảm về vận chuyển cho các tàu chiến.

Không chỉ ở Thái Lan, trong khi phát triển Con đường tơ lụa trên biển, các công ty Trung Quốc đã kiểm soát một số cảng biển ở Campuchia, Indonesia, eo biển Malacca, Myanmar, Sri Lanka, Pakistan và Djibouti. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, từng nói trước Quốc hội Mỹ đầu năm nay rằng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Hải quân Trung Quốc đang tăng lên nhờ mạng lưới thương mại được tạo ra nhờ sáng kiến Vành đai - Con đường.

Tạp chí Foreign Policy dẫn lời một sĩ quan quân đội Mỹ giấu tên từng làm việc trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói rằng có một sự tương đồng về lịch sử trong hàng loạt thương vụ của Bắc Kinh. “Nó giống cách lập ra các trạm tiếp tế cho Đế chế Anh hoặc Hà Lan”, vị cựu sĩ quan nói.

Dấu chân mở rộng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương bao gồm cả căn cứ quân sự chính thức đầu tiên ở nước ngoài, tại Djibouti, khiến giới chức Mỹ lo ngại. Nhưng các cảng thương mại có thể phục vụ nhiều mục đích cũng có vai trò quan trọng giúp hải quân Trung Quốc trở thành một lực lượng toàn cầu thực sự, có thể giám sát các tuyến thương mại có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Thiếu tướng hải quân Mỹ Mike McDevitt, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu phi chính phủ CNA, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đang phát triển các hoạt động ra nước ngoài. Lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng, cách duy nhất để các tàu chiến của họ được tiếp tế là dựa vào hoạt động cảng sẵn có của Tập đoàn Vận tải biển (COSCO) thuộc nhà nước Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc vẫn rất quan ngại rằng các cường quốc thù địch nước ngoài có thể cắt những tuyến cung cấp năng lượng quan trọng phải đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, ông McDevitt đánh giá. “Điều họ đang làm là thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng giúp hải quân của họ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ”, giống như tuần tra chống cướp biển, ông nói.

Lặng lẽ bao vây

Dù Mỹ và Ấn Độ rất quan ngại về những gì Trung Quốc đang làm nhằm tạo nên “chuỗi ngọc trai” phòng thủ trên khắp Ấn Độ Dương, nhưng tham vọng của Bắc Kinh ở khu vực này vẫn chưa trở nên sáng tỏ trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát một cảng nước sâu ở Gwadar, Pakistan, và tác động mạnh mẽ vào chính phủ Sri Lanka để có thể kiểm soát các cảng ở nước này, nhưng vẫn chưa rõ bằng cách nào những dự án đó phối hợp để hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc hải quân hạng nhất của Trung Quốc. “Đó vẫn chưa trở thành một chiến lược mạch lạc và gắn kết”, ông Evan Medeiros, người giám sát chính sách châu Á trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama và nay công tác tại tổ chức tư vấn chính trị Eurasia Group, đánh giá.

“Giới phân tích về Trung Quốc, đặc biệt là những người có kiến thức quân sự, mô tả việc đầu tư vào các cảng biển là cách kín đáo để giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, báo cáo viết. Quá trình đó vẫn đang được triển khai. Gần như mọi dự án cảng biển đều gắn với kế hoạch phát triển các hoạt động công nghiệp do Trung Quốc dẫn dắt, như cơ sở đóng tàu và luyện kim, để cuối cùng có thể đưa những cảng đó trở thành trung tâm hậu cần hữu ích, cho dù chưa có nhiều dự án như vậy thành hiện thực.

“Họ mới đang đặt nền móng, phải mất vài năm nữa chúng ta mới thấy các tiện ích quân sự của những cảng đó”, ông Thorne, nhà nghiên cứu của C4ADS, nói. Cơ sở pháp lý đã được thiết lập vì Trung Quốc có luật quy định tất cả các tàu thương mại của nước này đều phải được đóng theo tiêu chuẩn quân sự và tất cả các hãng vận tải Trung Quốc đều phải hỗ trợ hoạt động quân sự khi được yêu cầu, ông nói.

Trung Quốc còn mất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu của họ, nhưng đã khiến Ấn Độ ăn không ngon ngủ không yên. Các cảng Trung Quốc kiểm soát trên vịnh Bengal, ở Sri Lanka, và ở Pakistan tạo nên một hàng rào quanh Ấn Độ. Nếu những chuyến cập cảng lẻ tẻ của các tàu ngầm và tàu khu trục Trung Quốc trong những năm gần đây đủ khiến giới hoạch định hải quân Ấn Độ phải tìm cách hướng Đông thì triển vọng các thỏa thuận làm ăn dưới sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển nhằm giúp hải quân Trung Quốc có năng lực lưu trú lớn hơn càng gây báo động ở Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược vừa đưa ra báo cáo rất dày về hàm ý an ninh của các hoạt động của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

“Điểm khởi đầu không bao giờ là một căn cứ chiến lược” mà đều là những thỏa thuận thương mại bình thường, nhưng “hậu quả không chỉ không tốt với Ấn Độ mà cho cả vùng Ấn Độ Dương”, Phó Đô đốc nghỉ hưu Anup Singh, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy miền Đông của hải quân Ấn Độ, đánh giá.

Giới hoạch định quân sự Mỹ cũng đang cố gắng giải quyết thách thức trên Ấn Độ Dương, trong bối cảnh những năm gần đây chứng kiến hoạt động mở rộng hạ tầng một cách hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Đô đốc Harris từng nói trước Quốc hội Mỹ rằng việc “Trung Quốc thiếu cởi mở về kế hoạch của họ là lý do gây quan ngại”.

Nhưng việc Bắc Kinh nhảy vào Ấn Độ Dương còn nhanh và tinh vi hơn việc chiếm và cải tạo đảo trên biển Đông. Cách tiếp cận lặng lẽ, tưởng như vô hại của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương khiến Washington khó phản ứng phù hợp, ông Medeiros nói. “Bất kỳ quân đội nào cũng dễ đối phó với hành động hiếu chiến hơn. Nhưng rất khó huy động các nguồn lực quốc gia, các đối tác và đồng minh nếu không có sự chắc chắn về bản chất của thách thức”, ông Medeinos cho biết.

Theo Theo Foreign Policy
MỚI - NÓNG