Quan ngại trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc
Theo các chuyên gia phân tích, việc Thủ tướng Anh Theresa May từ chối ủng hộ bằng văn bản sáng kiến "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền" và "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" của Trung Quốc (Vành đai, con đường) trong chuyến thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 31/1 tới ngày 2/2 là nhằm hạn chế làn sóng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào nước Anh.
Bởi vì, một khi ký kết bản ghi nhớ về sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được triển khai tại Anh. Và điều này là không thể chấp nhận được đối với một Thủ tướng Anh được mệnh danh là người theo chủ nghĩa bảo thủ truyền thống như bà May.
Trước khi bà May tiến hành chuyến thăm Trung Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng Anh đã bày tỏ, sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc phù hợp với "tiêu chuẩn quốc tế" là điều hết sức quan trọng.
Trước đó, khi còn là Bộ trưởng giáo dục Anh, bà May đã nhiều lần thắt chặt các quy định về chính sách cấp visa cho các lưu học sinh quốc tế, và đã buộc nhiều lưu học sinh của các nước phải trở về nước.
Đặc biệt, sau khi trở thành Thủ tướng Anh, bà May đã thể hiện lập trường rất thận trọng đối với các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc. Vào năm 2016, bà đã tạm thời trì hoãn kế hoạch cho phép Trung Quốc tham gia đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở Somerset, Tây Nam của Anh, cho rằng quyết định này là để bảo vệ chủ quyền của nước Anh.
Quan điểm của Thủ tướng Anh Theresa May hoàn toàn trái ngược với cựu Thủ tướng David Cameron. Trước đó vào năm 2015, bất chấp sự phê phán của Mỹ, Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc đề xướng. Đây là Ngân hàng chuyên cung cấp vốn cho các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, con đường".
Liên quan tới vấn đề này, trang mạng Financial Times nhận định bà May đã đúng khi tỏ ra thận trọng với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ The Guardian ở Anh cho rằng bà May, lãnh đạo đảng Bảo thủ, hẳn vẫn có nghi ngại về mục tiêu chính trị của dự án này.
Cân bằng quan hệ với Mỹ-Trung
Ngoài ra, Mỹ được cho là một nguyên nhân quan trọng khiến Thủ tướng Anh thể hiện sự thận trọng đối với sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.
Trong "Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ" và "Báo cáo chiến lược quốc phòng Mỹ" vừa được công bố cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ nét rằng, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ. Điều đó cho thấy, Mỹ đã phát tín hiệu rất rõ ràng về việc sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nước Anh luôn duy trì truyền thống thể hiện quan điểm lập trường thống nhất với Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Ví dụ như trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, mặc dù trong hoàn cảnh các quốc gia chủ chốt của châu Âu là Pháp và Đức kiên quyết phản đối hành động quân sự của Mỹ, tuy nhiên nước Anh vẫn kề vai sát cánh cùng với Mỹ.
Chính vì vậy, việc cựu thủ tướng Anh David Cameron quyết định tham gia Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc đã khiến cho quan hệ Anh-Mỹ xuất hiện nhiều sự rạn nứt.
Do vậy, là một Thủ tướng theo chủ nghĩa bảo thủ truyền thống, bà May sẽ không thể đối kháng với Mỹ trong vấn đề chiến lược thương mại.
Chính vì vậy, việc thể hiện sự thận trọng đối với sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc, và đặc biệt là kiên trì quan điểm lập trường thống nhất với Mỹ trong quan hệ giữa hai nước, chính là sự chọn chủ động đầy toan tính của Thủ tướng Anh trong xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.