Tương phản giàu nghèo

Tương phản giàu nghèo
TP - Hình ảnh các em học sinh nội trú ở xã Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, nằm nép mình trên tấm liếp, trong căn nhà nội trú đơn sơ giữa rừng, kẹp đèn pin vào cổ để học bài vì không có điện;

cảnh các em ngồi bệt trong những túp lều dột nát - nơi được gọi là bếp - chan nước suối vào... cơm để ăn, sao thấy đắng ngắt trong lòng ! Vẫn biết, việc nhiều học sinh hàng ngày ăn cơm với nước lã, nước suối, ngoài phần là thói quen, phong tục ra, thì một thực tế là bữa cơm của các em hiện rất thiếu thốn.

Càng thấy xót xa hơn khi chứng kiến những lớp học VIP trường công ở Hà Nội, sàn gỗ bóng loáng, rèm cửa, điều hòa mát rượi, sang trọng.

Báo chí phản ánh, quỹ phụ huynh đầu năm của một lớp tiểu học lên tới 300 triệu đồng. Chỉ riêng số tiền của một lớp VIP này thôi đã gấp 3 lần số tiền xây dựng cả ngôi trường nội trú ở Tam Hợp, do Tỉnh đoàn Nghệ An ủng hộ.

Đó là những hình ảnh tương phản nhói lòng, giữa giàu sang với nghèo khổ, giữa thừa thãi và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2011 cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại VN lên tới 9,2 lần.

Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần, đến năm 1996 đã tăng lên 7,3 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 đã là 8,4 lần. Như vậy có nghĩa là, sự bình đẳng đang giảm dần, sự bất bình đẳng đang lớn lên.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam đang chuyển dần từ mức tương đối bình đẳng (năm 2002) sang mức chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân cư.

Vẫn biết, sự phân hóa giàu nghèo là khó tránh khỏi trong xã hội, nhất là trong nền kinh tế thị trường.

Những năm qua Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể đã rất quan tâm tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, và đạt được nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Song khoảng cách giàu – nghèo vẫn đang có chiều hướng doãng ra, những nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” vẫn diễn ra đâu đó quanh ta.

Ước mong sao, bản làng heo hút ở Tam Hợp kia rồi sẽ có điện để các em nhỏ khỏi phải học bài bằng đèn pin giữa lúc bụng đói cồn cào vì bữa ăn thiếu chất.

Nếu cỗ cưới của gia đình các vị quan chức bớt đi vài mâm, nếu họp hành, hội nghị bớt đi dăm bảy cái phong bì, vài lẵng hoa tươi, chắc bữa cơm của các em nhỏ miền núi Tương Dương hẳn sẽ có thịt thay cho nước suối.

Nếu giảm được, dù là phần nhỏ thôi, cái quốc nạn tham nhũng, lãng phí đang hoành hành, hẳn ngân quỹ phúc lợi của quốc gia sẽ đầy hơn rất nhiều.

Và khi đó chắc chắn rằng, những túp lều tranh tồi tàn hun hút gió kia – cái gọi là bếp ăn của học sinh nội trú Tam Hợp – và những điều nghèo khổ tương tự trên mọi miền đất nước này sẽ vĩnh viễn biến mất.

Sự tương phản giàu – nghèo như kiểu ngôi trường phổ thông nội trú Tam Hợp với “lớp VIP trường công” ở Hà Nội cũng sẽ bị xóa sổ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.