Tướng đảo chính tự phong thủ tướng Thái Lan lâm thời

 Binh sĩ Thái Lan tuần tra trên đường phố Bangkok sau đảo chính. Ảnh: AP
Binh sĩ Thái Lan tuần tra trên đường phố Bangkok sau đảo chính. Ảnh: AP
TP - Theo thông báo số 10 của Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia Thái Lan ngày 23/5, Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã tự tuyên bố làm thủ tướng lâm thời. Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị bắt giữ sau khi sáng qua, bà và hơn 100 chính khách được quân đội triệu tập.

Bangkok Post đưa tin, trong 16 tiếng đầu tiên sau tuyên bố đảo chính, quân đội Thái Lan đã ban bố 2 điều luật và 19 thông cáo. Tất cả những nội dung này đều được phát sóng trên các kênh truyền hình và đài phát thanh dưới sự giám sát của quân đội. Suốt đêm 22, rạng sáng 23/5, truyền hình liên tục phát các thông báo của lực lượng đảo chính. Ngoài đưa tin đảo chính, các đài chỉ được phát những bài hát yêu nước. Các phương tiện truyền thông mạng internet và cả điện thoại di động đều bị chặn hoạt động cho tới sáng 23/5.

Quân đội Thái Lan còn yêu cầu toàn bộ giới truyền thông không thực hiện phỏng vấn các cựu quan chức chính phủ, học viện, tòa án và các tổ chức phi chính phủ, nhằm tránh nguy cơ bùng phát xung đột hay hiểu nhầm trong dư luận. Hội đồng tướng lĩnh cũng tuyên bố sẽ chặn mạng xã hội nếu các mạng có các nội dung chống đảo chính. Sáng 23/5, quân đội triệu tập cựu Thủ tướng Yingluck và 23 trợ lý vốn là họ hàng và các bộ trưởng trong chính quyền của bà Yingluck tới tham dự một cuộc họp tại trụ sở quân đội. Khoảng 100 quan chức của cả hai phe đã được triệu tập tới cuộc họp này.

Quân đội yêu cầu các tỉnh trưởng phải trình diện quân đội ở 4 khu vực trên cả nước. Lực lượng đảo chính thông báo, chánh văn phòng các bộ được chỉ định làm bộ trưởng lâm thời các bộ trong chính phủ lâm thời do tướng Prayuth làm thủ tướng. Cho đến sáng 23/5, chưa ai biết bà Yingluck và những người thân cận đang ở đâu. Việc Phó Thủ tướng Chalerm Yubamrung cùng các con trai bị bắt giữ dấy lên nghi ngờ bà Yingluck cũng sẽ chịu số phận tương tự.

Đến tối qua, Tướng Prayuth vẫn không nói hội đồng quân sự sẽ nắm quyền tới khi nào. Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 23/5 cho rằng, bế tắc chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát và ông Prayuth đang đứng trước tình thế khó khăn.

Trong khi đó, dư luận quốc tế và giới phân tích bày tỏ lo ngại về tình trạng hỗn loạn sau đảo chính. “Đảo chính không phải là giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Chính đây sẽ là cuộc khủng hoảng mới. Nó cho thấy quân đội Thái chưa bao giờ học được bài học từ năm 2006”, ông Pavin Chachavalpongpun - Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại ĐH Kyoto nhận định.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi việc sớm trở lại của chính quyền dựa trên hiến pháp, dân sự và dân chủ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, vụ đảo chính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Thái Lan. 

Ông Kerry kêu gọi Thái Lan bầu cử sớm, trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố xem xét lại vấn đề hợp tác quân sự với Thái Lan. Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ trích vụ đảo chính và kêu gọi tôn trọng hiến pháp, tiến hành bầu cử để đảm bảo sự tự do của người dân.

MỚI - NÓNG