Tướng Athanase Kararuza và vợ qua đời ngay lập tức. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, theo BBC.
Hơn 400 người đã thiệt mạng trong khủng hoảng tại Burundi kể từ khi Tổng thống Pierre Nkurunziza thông báo ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 4 năm ngoái. Một loạt quan chức quân đội cấp cao đã bị nhắm mục tiêu tấn công.
Lực lượng an ninh Burundi cũng bị Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc giết đối thủ và chôn xác họ trong các ngôi mộ tập thể.
Sau khi vụ tấn công được đưa tin, Tòa án Hình sự Quốc tế thông báo họ sẽ bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ về tình trạng bạo lực ở Burundi. Họ sẽ quyết định liệu có tổ chức điều tra toàn diện, có nghĩa là có thể đưa những kẻ bị cáo buộc đứng đằng sau bạo lực ra công lý.
Phóng viên BBC Robert Misigaro nói rằng vụ sát hại là một đòn giáng vào Tổng thống Nkurunziza, vì nó cho thấy rằng ông không thể đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình.
Bộ trưởng Nhân quyền Martin Nivyabandi hôm qua sống sót sau một cuộc tấn công bằng lựu đạn khi ông rời khỏi nhà thờ.
Burundi là quốc gia nằm ở Đông Phi. Tháng 4/2015, các cuộc biểu tình nổ ở nước này khi Tổng thống Pierre Nkurunziza thông báo ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Một tháng sau, các sĩ quan quân đội tiến hành một cuộc đảo chính nhưng bất thành. Tháng 7/2015, ông Nkurunziza tái đắc cử. Cuộc bầu cử gây tranh cãi và lãnh đạo đối lập Agathon Rwasa mô tả chúng là "một trò đùa".
Sau khi các cuộc tấn công liên tiếp diễn ra, Liên Hiệp Quốc tháng này chấp thuận một nghị quyết mở đường cho lực lượng cảnh sát của Liên Hiệp Quốc được triển khai đến Burundi.