Tua xuyên Việt vì chó mèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một tua xuyên Việt “chưa từng có” được tổ chức để kêu gọi người dân Việt Nam ngưng việc ăn thịt chó, mèo đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngàn người. Không thể không nói, những hoạt động kiểu này ít nhiều đã tác động vào nhận thức của nhiều người, ví như phố mộc tồn ở Nhật Tân giờ gần như đã bị xóa sổ…

Bắt đầu từ những câu chuyện buồn

Ngày 3/6, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws vừa khởi động tua xuyên Việt “Hành trình yêu thương” để truyền tải thông điệp mong muốn sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam. Chuyến xe Four Paws bắt đầu ở TP Hồ Chí Minh, qua Đà Nẵng, và đến Hà Nội từ ngày 7/6.

Tua xuyên Việt vì chó mèo ảnh 1

Người dân cả ba miền Bắc, Trung, Nam bày tỏ sự ủng hộ việc ngưng mua bán chó mèo như là một loại thức ăn

Trước tua xuyên Việt này, chiến dịch “Đây không phải Việt Nam” của Four Paws đã thu thập được hơn 33.000 thông điệp của người dân gửi tới Thủ tướng Chính phủ, 24.000 du khách quốc tế gửi thư cho Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 13.500 người trên toàn cầu gửi bưu thiếp kỹ thuật số tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiến nghị chấm dứt nạn buôn bán chó, mèo làm thức ăn. Hoạt động này được khởi xướng cùng với việc công khai những lá thư buồn của chủ nhân những con chó, mèo bị bắt trộm bán cho lò mổ.

Tua xuyên Việt vì chó mèo ảnh 2

Đại diện UBND TP Hội An và chủ cửa hàng thịt chó Phạm Văn Quyết ký cam kết chuyển đổi mô hình kinh doanh và chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo

“Đó là chú chó đầu tiên mà mình nuôi, người bạn đó đã gắn bó với mình suốt ba năm, mình coi em như người thân trong gia đình. Ngày hôm ấy, em vô tình chạy ra ngoài chơi nhưng không ngờ, lần đó em đi mãi không về nữa. Mình thật sự rất nhớ em”. Đây là câu chuyện của một người chủ bị trộm câu mất chó, chia sẻ ngày 2/12/2023 và nhận về hơn mười nghìn bình luận động viên cũng như đồng cảm.

“Bé chó của tôi đã bị trộm. Trong đoạn video quay được, tôi thấy có hai người đã chích điện em chó nhà tôi, bế lên xe và chở đi bằng xe máy. Ở khu vực tôi đang sống, người dân đã bị mất rất nhiều chó và mèo. Tôi thật sự hy vọng có thể phá được đường dây trộm chó để tình trạng đau lòng này không còn xảy ra nữa. Tôi đã bị mất hai bé chó và ba bé mèo”, một câu chuyện khác đã dấy lên sự phẫn nộ tập thể của cộng đồng mạng bởi lẽ tình huống này hóa ra thường thấy đến nỗi, rất nhiều gia đình dù ở thành phố hay nông thôn đều đã từng trải qua. Hình ảnh Lão Hạc khóc chó có vẻ như đã không chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà văn Nam Cao, nó là hiện thực phổ biến ở Việt Nam.

“Nhiều người cho rằng mộc tồn (thịt chó) là đặc sản hay truyền thống văn hoá thì nhầm to. Đây là sự ngộ nhận. Thói quen ăn thịt chó mèo có nguồn gốc từ sự nghèo đói của cha ông những đời trước. Có đặc sản nào hay truyền thống văn hoá nào mà không đáng tự hào? Vậy thịt chó tại Việt Nam sao không được giới thiệu với bạn bè quốc tế? Có địa phương nào, đơn vị lữ hành nào đủ can đảm quảng bá món thịt chó trong tua du lịch hay không. Đừng quên nhận xét của ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam: “Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo”. Ý kiến của nhóm Giải cứu chó mèo Hà Nội cũng gây ra “bão mạng” khi nhận về hơn 10.000 lượt thích và chia sẻ.

Theo thống kê của Four Paws, ở Việt Nam, mỗi năm có tới 5 triệu con chó và mèo bị giết hại để lấy thịt, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc.

“Tôi nghĩ chó không hẳn chỉ là bạn. Nó có thể là thành viên gia đình, là đôi tai của một người khiếm thính nào đó, là đôi mắt của một người mù nào đó, là đôi chân của một người què nào đó, còn đối với những người không có gia đình, những người đang mất hết nghị lực sống nó có thể là cả bầu trời. Chúng không hề vì chủ nghèo mà rời đi, cũng không hề vì chủ đánh mắng mà rời đi, chúng có thể ở bất kì đâu chỉ cần ở bên cạnh người chủ. Vậy nên chúng ta cũng không có tư cách để chà đạp lên tình yêu đó”. Lời chia sẻ của một người nuôi chó mèo đã lấy đi “một lít nước mắt” của cộng đồng yêu động vật và trở thành thông điệp chung của hàng chục hội nhóm giải cứu chó mèo khắp trong Nam ngoài Bắc. Những người này chuyên mua lại chó mèo giá cao của những tay trộm chó, trước khi các thú cưng bị bán vào lò mổ, sau đó chăm sóc, chữa bệnh và tìm chủ mới cho chó mèo trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận.

“Biết là rất khó nhưng tôi chờ rất lâu rồi”

Ông Trung Hà, một người chuyên giải cứu chó mèo ở Hà Nội cho biết: “Người ta trộm cắp vật nuôi, thậm chí là đánh bả, chủ yếu là để bán lại cho các nhà hàng, lò mổ kinh doanh “đặc sản” chó, mèo. Mỗi năm, có hàng triệu con chó, mèo bị giết để lấy thịt ở Việt Nam. Đây không chỉ là bi kịch đối với các con vật mà còn với chủ của chúng khi nhiều nạn nhân trong số này chính là thú cưng bị đánh cắp từ các gia đình. Những con vật bị vận chuyển suốt quãng đường dài, thường trong nhiều ngày, sau đó bị giết thịt bằng các phương pháp tàn bạo như dìm nước, giật điện, khò ga và đánh đập. Hoạt động này sẽ không bao giờ dừng lại nếu không có một lệnh cấm buôn bán thịt chó và mèo từ phía các cơ quan có thẩm quyền”.

Đối với đề nghị “cấm ăn thịt chó, mèo”, một số người cho rằng như thế không hợp lý vì cùng là vật nuôi, tại sao lại không được phép ăn thịt chó còn trâu bò lợn gà thì ăn? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Sơn (Cục Thú y) cho biết: “Theo Thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về việc kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y thì chó, mèo không phải là đối tượng nằm trong danh mục động vật phải kiểm soát giết mổ. Điều này đồng nghĩa, thịt chó, mèo được bán ở các khu chợ, nhà hàng, quán ăn… sẽ không đảm bảo về nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe”.

Một tín hiệu đáng mừng là hiện ở Việt Nam, tỉ lệ ăn thịt chó mèo ở mức rất thấp, trong khi tỉ lệ người dân ủng hộ việc dừng ăn thịt chó mèo lại rất cao. Một khảo sát do Four Paws thực hiện cho thấy chỉ có 6,3% người Việt thường xuyên tiêu thụ thịt chó, mèo trong khi 88% người dân phản đối việc này. 95% người tham gia khảo sát cũng nhìn nhận việc ăn thịt chó mèo không phải là một phần văn hóa của người Việt Nam, do đó họ ủng hộ việc chấm dứt nạn buôn bán trên.

Trước đó, ngày 5/12/2023, Four Paws và UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã đóng cửa một trong những nhà hàng thịt chó, mèo cuối cùng tại Hội An. Đây là cửa hàng của ông Phạm Văn Quyết, hoạt động đã 15 năm, là nơi thường xuyên cung cấp thịt chó sống và chế biến cho thực khách tại địa phương. Ông Quyết cho biết trước đây mỗi năm, cửa hàng tiêu thụ hơn 350 con chó.

“Biết là rất khó nhưng tôi chờ đã lâu rồi. Tôi nhớ đã gửi chữ ký và đơn kiến nghị dừng việc mua bán thịt chó mèo cách đây đã lâu và tưởng chừng nó vô bổ. Nhưng mà dần dần, hình như việc này đang từng bước được xã hội chấp nhận nhiều hơn”, một thành viên của Hội giải cứu chó mèo Hà Nội chia sẻ.

Bà Phan Thanh Dung, Cán bộ chiến dịch về Động vật đồng hành của Four Paws chia sẻ: “Trong “Hành trình yêu thương”, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của đông đảo người dân, phần lớn đều bày tỏ bức xúc khi chính họ bị mất đi vật nuôi – người bạn đồng hành thân thiết của mình vào tay những kẻ trộm để mang đi bán cho các lò mổ; và mong muốn sớm có những luật định cụ thể để cấm hoàn toàn việc buôn bán này. Việc Hàn Quốc đã thông qua luật cấm buôn bán, tiêu thụ thịt chó đầu năm nay, cùng với việc Hội An đã đóng cửa một trong ba nhà hàng thịt chó lâu đời nhất trên địa bàn thành phố, cũng là những động lực để mong muốn chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo sớm thành hiện thực tại Việt Nam”.

Bà Karen O’Malley, Giám đốc Chương trình Chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo của Four Paws, cho biết: “Với nhiều vật nuôi vô tội bị bắt trên đường phố hoặc bị đánh cắp khỏi nhà của chúng tại địa phương, chúng tôi hy vọng rằng việc loại bỏ vĩnh viễn thịt chó, mèo ra khỏi thực đơn sẽ bảo vệ cuộc sống của hàng nghìn cá thể động vật trong tương lai”.

MỚI - NÓNG