Độc lạ và sang chảnh
Với sự đa dạng về giống loài, kiểu dáng cùng với thần thái kiêu kỳ, “sang chảnh” và bản tính độc lập, mèo được coi là loài thú cưng “quý tộc” lý tưởng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để sở hữu các giống mèo đắt tiền như Maine Coon, mèo Anh lông ngắn, mèo Anh lông dài, mèo Bengal… Với nhu cầu sở hữu mèo cưng đắt tiền ngày một tăng, nhiều bạn trẻ đã chọn khởi nghiệp với nghề nhân giống mèo.
Bùi Diễm My (sinh năm 1999) là một cái tên mới nổi trong cộng đồng nhân giống mèo chuyên nghiệp. Dòng mèo mà cô chọn nhân giống là mèo không lông (còn được gọi là mèo Ai Cập, mèo Sphynx…). Tuy bề ngoài không hề bắt mắt với làn da nhiều nếp nhăn và vẻ mặt “khó ở”, nhưng chúng rất năng động và thân thiện với con người. “Mèo không lông thích những nơi ấm áp do chịu lạnh kém hơn những loài mèo khác. Vì vậy chúng rất quấn người, thích được con người ôm vào lòng vuốt ve. Đúng là cái nết đánh chết cái đẹp!”, My cười.
Một góc trại mèo không lông của My |
Theo My, trong quá trình phối giống, công đoạn chọn con giống là quan trọng nhất. Đầu tiên, con giống phải có phả hệ được các tổ chức uy tín như World Cat Federation (WCF - còn gọi là Liên đoàn Mèo Thế giới) hoặc Cat Fancier Association (CFA - tổ chức đăng ký phả hệ mèo lớn nhất thế giới) công nhận. Sau đó, người nhân giống (breeder) phải nghiên cứu rất kỹ cây phả hệ để nắm bắt được mọi đặc điểm về bề ngoài, thể trạng và bệnh tật (nếu có) ở các đời bố, mẹ, ông, bà, cụ, kị… của mèo, nhằm đảm bảo con non sẽ mang đặc điểm đúng như ý muốn. Mỗi con mèo là một phả hệ riêng biệt, đòi hỏi các breeder phải có khả năng phân tích, tính toán và dự đoán chính xác dựa trên nền tảng kiến thức vững vàng về nhân giống.
Việc nuôi dưỡng cũng phức tạp không kém, trong đó dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu. My cho biết, một khẩu phần ăn trung bình cho mèo ở trại sẽ bao gồm pate, thịt bò sống kết hợp với vitamin, DHA, canxi, dầu cá, mỡ bò (dạng bột) và tảo biển. Vào mùa lạnh, cô còn bổ sung thêm lysine (một loại axit amin thiết yếu) để tăng sức đề kháng cho mèo. Trại mèo của My được trang bị đầy đủ hệ thống chuồng được đặt làm riêng, máy lọc không khí, máy sưởi cùng các thiết bị y tế như máy thở oxy, máy khí dung… để sơ cứu kịp thời nếu mèo mắc bệnh. “Tiền chữa bệnh cho mèo cũng đắt đỏ không kém so với con người. Chẳng hạn, nếu mèo mắc bệnh FIP (còn gọi là viêm phúc mạc - viêm màng bụng), chi phí chữa trị có thể lên tới vài chục triệu đồng”, My nói.
Khát vọng trên đấu trường quốc tế
My không hề nói quá về độ thân thiện của mèo không lông. Bởi khi tôi vừa bước vào phòng nuôi, những chú mèo đã lao tới, kêu “meo meo” liên hồi và tranh nhau ngồi vào lòng tôi. Điều này khác hẳn sự dè chừng thường thấy của mèo với người lạ. “Nhiều lúc em tưởng mình đang nuôi chó chứ không phải nuôi mèo!”, cô cười.
My giới thiệu một cá thể mèo không lông có giá trị cao tại trại mèo |
Hiện nay, trại mèo của My có khoảng 30 cá thể, nhiều cá thể có giá dao động từ 8 con số đến 9 con số. Đó là những chú mèo đã đạt giải cao trong các cuộc thi WCF hoặc CFA tổ chức cả trong nước lẫn quốc tế. Nổi bật nhất là Amber - chú mèo sở hữu danh hiệu cao quý nhất trong bộ sưu tập của My hiện nay là Inter Champion (đứng thứ 2/6 trong bảng xếp hạng các danh hiệu của WCF) tại một cuộc thi quốc tế tổ chức tại Thái Lan.
Giải thưởng còn là sự bảo chứng cho chất lượng nguồn gen của mèo. Những chú mèo đoạt giải cao sẽ được săn đón rất nhiệt tình, bởi chúng có khả năng sản sinh những hậu duệ có tiềm năng trở thành “nhà vô địch”. Trên thực tế, những chú mèo khác từng đoạt giải của My đều là con, cháu của Amber. Theo My, những breeder nổi tiếng thế giới thường có danh sách khách hàng chờ mua mèo rất dài, có những người phải chờ vài năm mới đến lượt.
Trong tương lai, My sẽ tiếp tục đưa những chú mèo “chinh chiến” tại đấu trường quốc tế. Danh hiệu chỉ là một phần nhỏ, vì động lực lớn nhất của cô là chứng minh năng lực của những breeder Việt Nam với bạn bè năm châu. Thị trường nhân giống mèo ở Việt Nam không nổi trội bằng một số nước khác như Thái Lan, Singapore hoặc các nước châu Âu, nên các breeder Việt Nam không được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Họ đầu tư rất mạnh tay, có những trại mèo sở hữu cả một dàn máy lọc không khí chỉ dùng cho bệnh viện và được khử khuẩn hoàn toàn... “Vì vậy, mình vẫn muốn chứng minh với họ rằng dù thua kém về điều kiện kinh tế, các breeder Việt Nam vẫn có thể chiến thắng”, My chia sẻ.
Theo My, mục đích của các cuộc thi là tôn vinh vẻ đẹp của những giống mèo thuần chủng. Vì thế, với mỗi giống mèo, giám khảo coi những cá thể mèo “thủy tổ” làm hình mẫu để đánh giá các “thí sinh” dự thi.
Những bài học từ mèo
Hiện nay, bên cạnh những người theo đuổi nghề một cách nghiêm túc, cũng có không ít những nhà nhân giống “công nghiệp”, tức nhân giống hàng loạt để thu lợi nhuận nhanh nhất có thể. My không ủng hộ hướng đi này. Theo cô, mỗi chú mèo là một cách phối giống, chăm sóc và nuôi dưỡng riêng, không thể dùng một công thức mà áp dụng cho tất cả.
“Theo mình, không nên đặt lợi nhuận lên hàng đầu khi làm nghề, vì quan trọng nhất vẫn là tình yêu với mèo, cùng kinh nghiệm và kiến thức về mèo. Nếu coi trọng đồng tiền hơn mèo của mình thì sẽ khó tiến xa trong nghề”, My chia sẻ. Cô có một quy tắc: nếu khách hàng không thể chăm sóc mèo tốt sau khi mua, cô sẽ tự bỏ tiền ra chuộc mèo về. Một chú mèo cưng My từng nuôi dưỡng đã phải ra đi do sự bất cẩn của người chủ mới, và cô không cho phép điều đó lặp lại lần nữa. Với My, mèo không phải là một loại hàng hoá hay một phương tiện để giải trí lúc rảnh rỗi. Cô coi chúng như những đứa con của mình.
Tôi hỏi, vậy điều quý giá nhất My nhận được khi theo đuổi nghề breeding là gì? Không phải tiền bạc hay danh tiếng, My nói, mà là những bài học cuộc sống quý giá. Từ khi nuôi và chăm mèo, cô trở nên kiên nhẫn hơn, chăm chỉ hơn, biết quan tâm, chăm sóc tới những người xung quanh hơn. Theo My, cách đối xử với vật nuôi sẽ ảnh hưởng một phần tới cách đối xử với con người. Nếu một người thường xuyên ngược đãi động vật, họ sẽ có xu hướng làm điều tương tự với những người khác - đây là điều đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khoa học.
(Còn nữa)