Dùng Sale để bán cổ phần
3 bị can bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: bà Phạm Thị Hòa (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc, con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Tổng Giám đốc)
Cựu lãnh đạo Sen Tài Thu bị khởi tố vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạn tài sản. |
Cơ quan điều tra xác định, đến đầu năm 2020, do việc mở rộng các cơ sở của của hệ thống Sen Tài Thu trong thời gian dài, bà Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh đã vay nợ số tiền lớn khoảng hơn 300 tỷ đồng (trong đó tiền gốc khoảng 100 tỷ đồng, tiền lãi 200 tỷ đồng). Đến năm 2022, bị can Nguyễn Thị Thùy Linh đã cùng bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương nâng khống vốn điều lệ từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng, để phát hành cổ phần.
Cụ thể, các bị can đã đưa ra nhiều thông tin gian dối về tình hình hoạt động, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; đồng thời sử dụng cổ phần cá nhân của bà Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư.
Để thu hút nhiều người đầu tư, bị can Nguyễn Thị Lan Hương đã xây dựng đội ngũ sale ( nhân viên tư vấn, bán hàng, kêu gọi đầu tư) với chính sách trả thưởng hoa hồng % cao trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phẩn được ký. Đội ngũ sale này hầu hết là các nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán, tài chính… có sẵn lượng khách hàng có nguồn tiền dư giả, gửi tiết kiệm.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với bị can Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu. Sau khi nhận tiền, công ty cắt từ 7 -30% cho các sale, số còn lại Linh, Hương đã chiếm đoạt để chi trả các khoản nợ cho Phạm Thị Hòa, Nguyễn Thị Thùy Linh, các mối cho vay do Nguyễn Thị Lan Hương mang về. Đến thời điểm hiện tại, công ty không còn khả năng thanh toán.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam trước đây là Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Sen Tài Thu - Bệnh Viện Châm cứu Trung Ương, thành lập vào năm 1992. Bà Phạm Thị Hòa là người sáng lập doanh nghiệp này. Đáng nói, cơ sở này về sau đã lợi dụng uy tín và y đức của vị bác sỹ tài ba Nguyễn Tài Thu được mệnh danh là “thần châm cứu” của Việt Nam để lan tỏa hình ảnh thương hiệu (ông đã mất năm 2021- PV) . Các cơ sở của Sen Tài Thu lần lươt ra đời, nhưng phải đến cuối tháng 12/2018, pháp nhân đáng chú ý nhất là Công ty Cổ phần Sengroup Wellness Việt Nam được thành lập và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập Đoàn Sen Tài Thu Việt Nam.
Chưa có thông báo về phương án bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư
Giữa năm 2023, Sen Tài Thu tổ chức đại hội cổ đông, quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới là ông Nguyễn Quốc Sơn, Hà Đắc Thương và Nguyễn Đức Hồi. Ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Sen Tài Thu.
Khoảng tháng 8-9/2023, sự việc nhà đầu tư tố cáo Sen Tài Thu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bắt đầu nóng lên, khi doanh nghiệp này mất khả năng chi trả theo cam kết.
Tại văn bản trả lời về giải quyết quyền lợi của các nhà đầu tư, đại diện Sen Tài Thu sẽ có trách nhiệm lên phương án xử lý và thương thảo với quý vị lộ trình thực hiện liên quan tới các nghĩa vụ đã cam kết.
Sau khi cựu lãnh đạo bị khởi tố, doanh nghiệp chưa có thông báo về hướng xử lý đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngày 30/1, PV Tiền Phong đã liên hệ với Sen Tài Thu, đặt vấn đề về vai trò của các bị can tại doanh nghiệp, cũng như quyền lợi của nhà đầu tư sau khi bà Hoà bị khởi tố. Phía doanh nghiệp tiếp nhận câu hỏi, và hẹn sẽ trả lời sau.
Những thông tin về Sen Tài Thu khá ít ỏi, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh khó tiếp cận, do đây không phải doanh nghiệp đại chúng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, thời gian qua, nở rộ doanh nghiệp huy động vốn của nhà đầu tư. Theo ông Long, chiêu trò phổ biến là dùng lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm, đánh vào sự hám lợi của người dân.
“Nhà đầu tư chỉ quan tâm tới lãi suất cam kết của doanh nghiệp, chưa tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính, kết quả kinh doanh sẽ dễ rơi vào “bẫy” lừa đảo. Việc góp vốn, đầu tư là giao dịch dân sự của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chỉ khi nào có dấu hiệu lừa đảo, tố cáo từ nạn nhân, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra. Vì vậy, bản thân nhà đầu tư phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin của doanh nghiệp trước khi chuyển tiền”, ông Long khuyến nghị.
Từ năm 2020 đến nay, Tiền Phong có nhiều lần bài phản ánh tình trạng doanh nghiệp dùng lãi suất cao để huy động vốn dưới hình thức như hợp đồng góp vốn đầu tư vùng trồng mắc ca, vùng trồng sâm Ngọc Linh, vùng nguyên liệu rau má…Cách thức chiêu trò hút vốn của các doanh nghiệp này đều khá giống nhau, từ làm hình ảnh, lan tỏa thương hiệu cho đến khi “lặn” mất tiêu ôm theo cả ngàn tỷ đồng.
Bị hại đòi tiền bị chiếm đoạt như thế nào?
Về vấn đề trên, trong vụ án xảy ra tại Sen Tài Thu, theo quan điểm của TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp,các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của người bị hại đang ở đâu để áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định nhằm thu hồi tài sản cho các nạn nhân. Có thể cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, sẽ kê biên đối với các bất động sản, sẽ ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.
“Những người đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, do những thông tin gian dối mà chuyển tiền thì có thể liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát TP Hà Nội để được xem xét giải quyết với vai trò là người bị hại" - luật sư Cường nhấn mạnh.