Không phải từ bây giờ vấn đề nợ đọng XDCB của các địa phương mới được cảnh báo. Ngay khi kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước đứng trước những thách thức và khó khăn, các chuyên gia đã kịp thời cảnh báo nguy cơ này. Ngay từ cuối năm 2012, tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương được Chính phủ nhận định, là diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng với con số được ước tính là khoảng 90.000 tỷ đồng. Nợ đọng XDCB đến ngày cuối tháng 12/2012 chiếm 19,9% kế hoạch năm 2013…
Trước đó, theo Báo cáo kiểm toán năm 2012, các địa phương đến hết năm 2011 còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư với tổng số vốn 273.469 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa bố trí được vốn đầu tư. Theo cách tính toán của các chuyên gia kinh tế, để thực hiện hết các dự án của địa phương, thì địa phương, nhiều phải mất 24 năm, ít phải tầm 9 năm…
Miếng bánh ngân sách ngày càng bị siết chặt và được quản lí giám sát theo luật thì việc các địa phương vung tay “vẽ cả đồng xanh” sẽ không còn giấy để vẽ voi. Nhưng hệ lụy của mấy năm qua buông lỏng, dồn cục khiến cho các nhà hoạch định chính sách đau đầu vì những hậu quả để lại không nhỏ. Đến lúc này, khi buộc phải cân đói nguồn đầu tư cho sự phát triển thực sự có hiệu quả khiến các chuyên gia kinh tế phải mổ xẻ, phân tích nguyên do.
Điều dễ nhận thấy nhất ấy là việc phân cấp quyết định đầu tư xuống cho các địa phương khiến cho miếng bánh ngân sách vốn đã eo hẹp bị xà xẻo bởi những quyết định đầu tư dàn trải. Giấy thiếu nhưng các địa phương vẫn đua nhau vẽ voi bằng những dự án khu công nghiệp mọc lên như nấm cùng tỉnh nào cũng theo nhau đầu tư nhà máy bia, xi măng, sân bay, cảng biển. Những sản phẩm thu về là các dự án dang dở “cơm không ra cơm, cháo không thành cháo” với đầy đủ khuyết tật “ trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét” với cả hàng chục ngàn tỷ dát mỏng, nợ khối lượng đầm đìa.
Một nguyên nhận nợ đọng XDCB tràn lan cũng được các chuyên gia chỉ ra không kém phần nhức nhối, ấy là lối tư duy nhiệm kì, tạo dấu ấn ngắn hạn. Thế nhưng, trước những quyết định đầu tư rất kém hiệu quả ấy lại thiếu sự quản lí, giám sát và từ trước đến nay chưa vị quan đầu tỉnh nào bị xem xét trách nhiệm, cũng như bị kỉ luật về chuyện này dẫn đến nhiệm kì sau lại “xưa bày nay làm” theo nhiệm kì trước. Một thực tế cho thấy là các cơ quan chức năng rất nan giải để chốt lại con số nợ XDCB cuối cùng để có thuốc đặc trị. Bởi, các khoản nợ chồng chéo đan xen và vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến các khoản nợ thật mà như ảo, khó giải quyết dứt điểm được.
Dứt điểm nợ XDCB trong năm 2014 và kiên quyết không để phát sinh trong năm 2015. Ai, cấp nào vi phạm sẽ xử lí nghiêm. Thông điệp mạnh mẽ đó có được thực thi nghiêm túc? Câu trả lời phụ thuộc vào việc giám sát Luật Đầu tư công khi đi vào cuộc sống.