Tư duy cũ

Tư duy cũ
TP - Hàng loạt trung tâm hỗ trợ nông dân được đầu tư hàng trăm tỷ bằng tiền ngân sách đã và đang mọc lên một cách hoành tráng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hầu hết các nơi này đều vắng bóng nông dân- những người mà nếu vắng mặt của họ không có lý gì để các trung tâm này mọc lên và tồn tại.

Trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung tại Huế đầu tư 25 tỷ đồng, xây trên 5 ha ruộng thuộc loại “nhất đẳng điền”, nay nhiều nơi cỏ dại mọc kín, cổng khóa im lìm. Còn trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Tuy Hòa (Phú Yên) xây trên mảnh đất 4,7 ha năm 2011 hết 30 tỷ đồng,  nay có nguy cơ biến thành nhà nghỉ, hội trường giờ vẫn treo phông lớp tập huấn từ năm… 2014.  Một loạt các trung tâm mới xây dựng khác tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng ở trong tình trạng “đầu tư hàng chục tỷ đồng, chưa biết để làm gì?”.

Vẫn biết mục tiêu tốt đẹp của các trung tâm này, theo lời bà Lê Thị Thanh Hương, GĐ TT Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn (T.Ư Hội Nông dân VN), là nơi học tập, giao lưu, nghỉ dưỡng cho nông dân. “Giống như bên Tổng Liên đoàn lao động, công nhân được nghỉ dưỡng, nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày cũng phải được nghỉ dưỡng”, bà Hương nói. Tuy nhiên, tư duy theo kiểu công nhân cần nghỉ dưỡng thì Công đoàn xây khách sạn, nhà nghỉ một thời, nay đến lượt nông dân cũng vậy, liệu có ổn?

Đất nước đã Đổi mới được ba chục năm, nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp lỗi thời nay đã chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhất thiết Công đoàn thì phải xây nhà nghỉ cho công nhân, còn Hội Nông dân thì xây nhà nghỉ, chỗ giao lưu cho nông dân? Đương nhiên là không cần nữa! Sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của nền kinh tế thị trường đã làm thay cho chúng ta chuyện đó. Cũng kinh phí đó, nông dân sản xuất giỏi được hưởng những kỳ nghỉ do các công ty nghỉ dưỡng và du lịch chuyên nghiệp đảm trách hẳn sẽ tốt hơn việc năm nào họ cũng đến nghỉ ở Trung tâm tự xây của Hội nông dân? Việc đào tạo bồi dưỡng cho nông dân cũng đã có các chuyên gia, các công ty đào tạo chuyên nghiệp phụ trách. Việc còn lại là ra đầu bài, đặt hàng, thậm chí đấu thầu các sự kiện này.

Và đó cũng là cách làm của nhiều nước có nền kinh tế thị trường. Từng có dịp sang một số nước châu Âu để tìm hiểu về chính sách nông nghiệp của họ, tôi được biết EU chi hàng chục tỷ euro mỗi năm để hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Cụ thể nông dân Đức sẽ được nhận tiền mặt hỗ trợ 300 euro mỗi năm cho 1 ha ruộng, nông dân Hungary được nhận khoảng 214 euro/năm/ha. Chợt nghĩ, giá như hàng trăm tỷ đồng dùng để xây các trung tâm nói trên đến được tận tay người nông dân như cách làm của EU, chắc chắn sự hỗ trợ đã đến tay đối tượng cần hỗ trợ. Và sự lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước sẽ không xảy ra.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.