Theo một số chuyên gia, luật Việt Nam về các hành vi liên quan đến lạm dụng hay quấy rối tình dục còn sơ sài. Theo quy định hiện nay thì quấy rối mới chỉ được xem là hành vi vi phạm hành chính mà thôi. Bộ luật Hình sự mới (đến 1/7/2016 mới có hiệu lực) đã đưa thêm hành vi quan hệ tình dục khác vào cùng với các tội danh về hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu.
Trong khi, những nhận thức của cộng đồng xã hội về loại tội danh này còn khá mông lung. Nếu xét theo luật nước ngoài, chắc chắn nhiều người Việt đã có thể bị xem là phạm tội khi vô tư đùa với trẻ em theo những cách xưa nay chúng ta coi là bình thường: véo má, “sờ chim”, đùa nghịch với cái mà người lớn gọi là “cần tăng dân số” của thằng bé…
Người lớn đã vậy thì trẻ em sao có ý thức về quyền của chúng. Vụ việc đau lòng, gây phẫn nộ nhất vừa xảy ra trong nước, trước hôm Minh Béo bị bắt không lâu: một nhân viên bảo vệ 34 tuổi ở trường tiểu học La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) vừa bị bắt tạm giam vì bị cho là đã giở trò đồi bại với các em học sinh có độ tuổi 9-11. Hành vi dâm ô của anh này, tiếc thay, kéo dài trong hai năm mà không bị phát hiện.
“Các em đều đang ở độ tuổi quá nhỏ, chưa đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình. Dù các em học bán trú tại trường nhưng do các em vẫn học, vẫn sinh hoạt bình thường nên các thầy cô cũng khó phát hiện”, vị trưởng công an xã La Pán Tẩn nhận định như thế.
Ông nói có lẽ không sai, nhưng thực tế vụ án này và nhiều vụ án liên quan đến trẻ em cho thấy nhận thức của xã hội về quyền của trẻ em còn rất mỏng.
Có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ tới nay vẫn cho rằng con cái là tài sản của họ, muốn dạy dỗ ra sao, roi vọt thế nào là quyền của họ. Kết quả là rất nhiều quyền trẻ em, được pháp luật quy định, bị “vô tư” xâm phạm. Tất nhiên, trong một xã hội mà nhận thức pháp luật, nhận thức về quyền trẻ em còn thấp, hành vì xâm phạm ấy dễ bị xem nhẹ, dễ bị bỏ qua. Nhưng mang tư duy, nhận thức đó mà ra nước ngoài sẽ gặp ngay vấn đề.
Chẳng nói đâu xa: Tối 5/10/2013, một nhà ngoại giao Nga thường trú tại Hà Lan đã bị cảnh sát sở tại bắt giữ vì cho rằng vợ chồng ông này ngược đãi hai con nhỏ, một bé hai tuổi, một bé bốn tuổi, bất chấp quyền miễn trừ ngoại giao. Vụ việc dẫn tới những căng thẳng giữa Nga và Hà Lan.
Cũng có thể ai đó cho rằng đây là cách Hà Lan trả đũa vụ Nga bắt giữ tàu phá băng của Hà Lan, thuộc tổ chức Hòa bình xanh và toàn bộ người trên tàu. Tuy nhiên, quyền trẻ em là thứ mà cả Nga và Hà Lan phải tôn trọng, hoặc ít ra là tỏ ra như thế (trong trường hợp của Nga).
Bằng chứng là trong khi phản đối Hà Lan, Nga vẫn phải tuyên bố cho điều tra chuyện ông tham tán đại sứ quán đánh con.
Dù là quốc gia nào, trình độ phát triển tới đâu, có những quyền cần và phải được xem là phổ quát, trong đó có quyền trẻ em.