Tự chủ đại học: Càng chậm càng thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Hội nghị tự chủ đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua, lãnh đạo các trường đại học (ĐH) cho rằng trong thời gian qua, thực hiện chủ trương tự chủ đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ.

Nhiều trường doanh thu nghìn tỷ

Khi được trao quyết định tự chủ, các trường ĐH sẽ được thực hiện tự chủ ở 3 nội dung: học thuật, nhân sự và tài chính. Về mức độ tự chủ, hiện nay, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 mức. Trong đó mức 1 là tự chủ chi thường xuyên; mức 2 là tự chủ chi thường xuyên và đầu tư.

Tự chủ đại học: Càng chậm càng thiệt hại ảnh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng đại biểu

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện tự chủ ĐH từ cuối năm 2014 (thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở giáo dục ĐH theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ, từ năm 2018 thực hiện theo Luật giáo dục ĐH sửa đổi) đến nay, việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH đã được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD&ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm. Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm. Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018-2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Hiện cả nước có 5 trường ĐH có doanh thu cao nhất (trên 1.000 tỷ đồng năm) trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ từ sớm là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ba trường còn lại đều là trường tư thục.

Nếu tính top 10 trường có tổng thu cao nhất (trong số những trường được khảo sát) thì có tới 5 trường ĐH tự chủ từ sớm, 4 trường tư thục và 1 trường mới được tự chủ. Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.

Sinh viên gặp khó vì học phí cao

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD&ĐT không phân tích, đánh giá mức độ tăng đóng góp của người học. Nếu so với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ. Mức học phí được quy định theo nghị định cũ cũng tương tự.

Ông Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM thừa nhận học phí tăng đã có ảnh hưởng đến sinh viên. Khảo sát cuối năm 2021 đối với trên 39.000 sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy có 46% sinh viên trong hoàn cảnh gia đình bị mất nguồn thu, 53% sinh viên gặp khó khăn về học phí và có 5% sinh viên nợ học phí.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, nhờ có tự chủ ĐH mà các trường ĐH đã cải thiện được đáng kể vấn đề nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, báo cáo cũng phân tích một số vấn đề liên quan tới tài chính mà hệ thống giáo dục ĐH đang phải đối mặt.

“Tự chủ ĐH như đường một chiều không quay lại được. Con đường này còn rất dài, rất khó, có nhiều điều mới chưa lường trước được, nhưng phải cùng nhau vượt lên, sẵn sàng thích ứng. Các trường ĐH không chỉ thực hiện tự chủ theo luật mà còn là hình mẫu về quản trị, là môi trường nuôi dưỡng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Thống kê từ 36 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT cho thấy trong giai đoạn 2016 -2021, về cơ bản nguồn thu dùng để chi cho con người, chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục đào tạo. Quỹ lương hằng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm. Cho nên, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, trên cơ sở tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đã đạt và vượt mức 20% tổng chi ngân sách. Nhưng chi cho giáo dục ĐH chỉ chiếm xấp xỉ 1% tổng chi ngân sách (từ 0,9% đến 0,96%). Đã vậy, hằng năm nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH công lập rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ ĐH. Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.

Quá chậm...

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược TPPHCM cho hay, nếu đặt mục tiêu 3 thập kỷ để thực hiện tự chủ là quá chậm. Quan trọng là càng chậm càng gây thiệt hại cho các trường. GS Trần Diệp Tuấn ví tự chủ ĐH giống như chuyện người nông dân cắt dây buộc càng con cua rồi cho vào giỏ. Vì dù đã được cắt dây nhưng cũng chỉ bò trong đó. Vì vậy cần có cơ chế để tháo gỡ những khó khăn hiện nay liên quan đến các vấn đề về tài chính, nhân sự, học thuật. PGS. Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nói rằng tự chủ ĐH chưa đủ sức hấp dẫn các trường. Họ không nhìn thấy lợi ích khi thực hiện tự chủ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, quá trình thực hiện tự chủ ĐH là một chặng đường đổi mới rất dài, “không chỉ có hoa hồng” mà còn nhiều chông gai, gian khổ, phía trước còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận giáo dục ĐH ở chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, tự chủ, tự quản không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước. Các trường ĐH tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình. Đây cũng là xu thế chung các nước trên thế giới.

Hiện cả nước có 5 trường ĐH có doanh thu cao nhất (trên 1.000 tỷ đồng năm) trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ từ sớm là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ba trường còn lại đều là trường tư thục.

MỚI - NÓNG