Nửa thế kỷ giọng hát Quang Thọ (Kỳ 1)

Từ anh thợ điện đến danh ca đất mỏ

NSND Quang Thọ hát trong đêm nhạc kỷ niệm 40 năm sự nghiệp
NSND Quang Thọ hát trong đêm nhạc kỷ niệm 40 năm sự nghiệp
TP - Tiếng hát của NSND Quang Thọ qua nửa thế kỷ làm nghề vẫn ngân vang hào sảng, trở thành mẫu mực trong dòng nhạc thính phòng. 

Sự nghiệp ca hát của ông gắn liền với những giai đoạn không thể quên của lịch sử đất nước. Trước thềm đêm nhạc kỷ niệm tuổi 70 (11/11 tại Cung VH Hữu Nghị, Hà Nội), những trang chưa bao giờ kể trong đời nghệ sĩ được hé lộ…

Nửa thế kỷ ca hát lấy từ mốc 1968, Quang Thọ lên Hà Nội tham dự Liên hoan sóng phát thanh toàn miền Bắc dành cho các giọng ca chuyên và không chuyên. “Ngày xưa, chuyên nghiệp và nghiệp dư không xa nhau lắm”, ông kể. “Ở Hà Nội, những Văn Sáu, Huy Túc, Trọng Nghĩa, Quốc Đông, Ngọc Bé… không kém gì giọng hát chuyên nghiệp. Anh Quý Dương chuyên đào tạo thế hệ ca sĩ nghiệp dư như thế. Ở Quảng Ninh, phong trào ca hát nghiệp dư cũng rất mạnh. Những đội văn nghệ của các mỏ than không khác gì chuyên nghiệp, chỉ kém phương tiện, trang phục, nhạc cụ”.

“Thời điểm vùng mỏ bị máy bay Mỹ oanh tạc, Cụ Hồ có nói: "Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ" được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa nguyên vào bài hát. Giờ tất cả ca sĩ hát đều đổi thành: "…Ta quên sao lời Bác gọi". Thì cũng được thôi, nhưng hình ảnh trong câu nói của Bác đẹp hơn nhiều chứ!”.
NSND Quang Thọ  


Thập niên 1960, khái niệm “nghệ sĩ” xa vời, chỉ có các “danh ca” như Quốc Hương, Trần Thụ, Trần Hiếu, Trung Kiên… ở thủ đô. Còn tại vùng mỏ, Quang Thọ đương nhiên cũng được coi là danh ca. Ông bắt đầu đứng trước khán giả từ 1965. Tuy ăn lương thợ điện của mỏ than Cọc Sáu nhưng việc chính của Quang Thọ là hát - trợ cấp đường sữa thay cho cat-xê. Có khi cả năm chỉ đi diễn, hết cho ngành than lại tới các địa phương trong tỉnh. Khi không đi hát, công việc của Thọ là kéo dây điện 3000V cho máy xúc, máy khoan, máy bơm, rồi sửa cũng các loại máy đấy. 
Quang Thọ là con trai trưởng trong gia đình 8 anh chị em. Bố là thợ điện ắc quy nhà máy Cơ khí Ô tô Cẩm Phả, mẹ tham gia tổ hợp tác buôn hoa quả, nước ngọt... Hoàn cảnh gia đình không khó khăn đến nỗi Thọ phải bỏ học đi làm. Tất cả bắt đầu từ lần đang đứng dậy phát biểu trong giờ học, cậu học trò lớp 8 gục xuống bàn, mặt trắng bệch. Đến bệnh viện, bác sĩ đoán cảm sốt, cho mấy viên aspirin. Vốn từ bé chẳng uống thuốc bao giờ, Thọ lén vứt đi. Kể cũng may, không thì có thể đã thủng dạ dày. May hơn nữa, tối hôm đó, người họ hàng là bác sĩ đến nhà chơi. Nghe chuyện, ông khám và bố Thọ lập tức đèo con lên bệnh viện. Vừa đến phòng cấp cứu, Thọ ngất luôn. Nhà không ai cùng nhóm máu, Thọ được truyền máu khô (huyết tương không có hồng cầu) của Nhật và ăn các thực phẩm nhiều chất sắt, bao gồm rượu pec-tô-phe.
Hồi phục mất 3 tháng, Thọ không quay lại trường mà nghĩ tới chuyện đi làm phụ bố mẹ nuôi các em. Cậu lấy bút ngoặc số 8 trong năm sinh thành số 6. Thế mà không ai phát hiện ra bản sao giấy khai sinh có vấn đề. Vậy là Thọ được nối nghiệp cha. Vì dạ dày vẫn chưa khỏi hẳn, nên trong khi toàn dân phải ăn độn bột mì hoặc sắn khoai, Thọ được tiêu chuẩn 20 cân gạo nếp/tháng. Cậu lại không ăn được nếp nên đem đổi, cứ cân nếp được cân rưỡi tẻ. 
1964 cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Năm giờ chiều 5/8/1964, Quang Thọ có mặt trên đồi pháo của mỏ Cọc Sáu hát cho đội tự vệ đang trực chiến thì còi ủ và tiếng loa phóng thanh báo máy bay địch vang lên. Tự vệ bắn đổ đạn lên trời. Từ dưới giao thông hào, Thọ thấy chiếc máy bay kéo hai luồng khói đen sà xuống phía vịnh Bái Tử Long. Hai viên phi công bị bắt sống.
Hai tháng sau, Hội Nhạc sĩ tổ chức xuống Cẩm Phả sáng tác sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ kể trên. Hoàng Vân viết Tôi là người thợ lò (về sau đổi thành “thợ mỏ” theo đề nghị của Tập đoàn Than), Phạm Tuyên - Những ngôi sao ca đêm, Trần Quý - Trên đỉnh Đèo Nai em hát… Còn Trọng Bằng giao Nhịp máy khoan cho Quang Thọ. Anh tham gia Liên hoan Tiếng hát trên sóng phát thanh 1968 cùng với các giọng ca chuyên nghiệp bằng bài hát đó và được Đài mời thu thanh lần đầu tiên. 
Thực ra, Quang Thọ có thể lên Hà Nội từ sớm với 2 lần đỗ khi Nhạc viện về vùng mỏ tuyển sinh vào năm 1967 và 1969, nhưng Quảng Ninh không chịu mất hạt nhân văn nghệ. “Giờ có tài muốn đi đâu thì đi. Ngày xưa người ta túm hộ khẩu, sổ gạo, tem phiếu… Rời ra, không thể sống được”, Quang Thọ nhớ lại. Mãi tới sau khi từ Trường Sơn ra, Quang Thọ được lựa chọn về lại mỏ than công tác hoặc biên chế về Đoàn Ca múa tỉnh. Anh chọn đoàn ca múa với điều kiện được đi học. Tỉnh cho phép. Thế là tháng tháng, Thọ lại bắt tàu hỏa từ Nhạc viện Hà Nội về Hải Phòng, rồi mượn xe đạp sang Quảng Yên - nơi có trụ sở của Đoàn để lấy tem phiếu và 
lĩnh lương.
Từ anh thợ điện đến danh ca đất mỏ ảnh 1 Quang Thọ (thứ 4 từ trái sang) đứng cạnh vị chuyên gia Nga - là thầy dạy thanh nhạc cho ông và các nghệ sĩ trong ảnh suốt 3 năm tại Nhạc viện Hà Nội
Trong đêm nhạc Hãy đến với anh kỷ niệm 50 năm ca hát tới đây, Quang Thọ không quên nhắc tới người thầy, người cha đỡ đầu- cũng là người bứng được ông từ vùng than lên thủ đô: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Lúc đấy, tác giả Đêm đông là hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội kiêm giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nên trò nào lọt mắt xanh ông khi tốt nghiệp đều được đưa thẳng về đoàn. Nhưng trường hợp Quang Thọ không đơn giản như Ái Vân, Lệ Quyên hay Quang Huy.  Quang Thọ xin đi học 4 năm trung cấp, nhưng chỉ học hai năm rồi thi lên đại học. Đến thời hạn tỉnh sức công văn đòi về. Thầy hiệu trưởng “khất” để Quang Thọ tốt nghiệp ĐH sẽ trả. Tỉnh đồng ý gia hạn 2 năm học nốt.   Hết hạn, tỉnh công văn lên Bộ Văn hóa yêu cầu trả Quang Thọ, nhưng Nguyễn Văn Thương quyết không. Ông nói với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu: “Những người tài, có khả năng đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà phải giữ lại thủ đô. Nếu cần chúng tôi sẽ đổi cho mấy sinh viên khác tốt nghiệp cũng loại ưu về Quảng Ninh làm việc”. Bộ trưởng không nghe, Nguyễn Văn Thương đi vận động các Thứ trưởng Trần Độ, Mai Vy thuyết phục thêm. Cuối cùng thì năm 1980, Quang Thọ được nhập khẩu Hà Nội và cũng không có ai thế thân anh về Quảng Ninh. Theo Quang Thọ thì Quảng Ninh khi đó không thiếu giọng hay (chẳng hạn Dương Phú - giọng opera xịn tu nghiệp Ucraina về) nhưng “họ quan niệm Quang Thọ là người Quảng Ninh phải về  Quảng Ninh”.
MỚI - NÓNG