Trong số 70 nhà khoa học trẻ gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2015, TS Nguyễn Xuân Nhiệm là người có số bài báo công bố quốc tế lớn nhất. Anh là tác giả, đồng tác giả của hơn 90 bài thuộc các tạp chí quốc tế và 50 bài báo tạp chí chuyên ngành trong nước. Con số rất ấn tượng với một nhà khoa học trong gần 10 năm nghiên cứu như anh (TS Nguyễn Xuân Nhiệm sinh năm 1982). Một số tạp chí quốc tế có bài báo của TS Nhiệm như Journal of Natural Products, Phytochemistry, Bioorganic and Medicinal Chemistry Letters, Planta Medica, Chemical and Pharmaceutical Bulletin, v.v,….
Chia sẻ con đường đến với nghiên cứu hóa học, TS Nhiệm kể, anh học chuyên hóa tại Trường THPT chuyên Thái Bình. Lên đại học, trong khi nhiều bạn bè đã chuyển hướng sang những ngành khác như kinh tế, xây dựng thì anh vẫn theo đuổi con đường đam mê hóa học. “Tôi là người duy nhất trong đám bạn bè theo đuổi việc nghiên cứu hoá học. Đó chính là đam mê của tôi”, TS Nhiệm kể.
Anh học ở Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2000-2004) rồi với đam mê nghiên cứu, anh ra trường và làm việc tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau đó, anh làm nghiên cứu sinh ở Khoa Dược, Đại học Quốc gia Chung Nam, Hàn Quốc. Bảo vệ tiến sĩ năm 2010 khi chưa đầy 30 tuổi. Anh tiếp tục làm sau tiến sĩ tại trường Đại học Yonsei, một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc.
Từ năm 2012 đến nay anh công tác tại Viện Hóa sinh biển. “Ở Viện tôi quy tụ rất nhiều nhà khoa học trẻ đầy tài năng, đó là minh chứng của các chính sách mang tầm chiến lược của ban lãnh đạo Viện” TS Nhiệm chia sẻ. Các nhà khoa học thường xuyên có các chuyến công tác hàng năm từ 3-6 tháng đến các Viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới và luôn được Ban lãnh đạo Viện tạo các điều kiện tốt nhất.
Mỗi ngày, TS Nhiệm không bao giờ về nhà trước 19h. Nhiều khi 22h anh mới về nhà và làm cả thứ bảy; chủ nhật cũng hay làm việc. Nhưng anh chia sẻ, làm việc như thế chưa phải quá miệt mài. Ở Hàn Quốc, các nhà khoa học làm việc thường xuyên 12-13 tiếng mỗi ngày. Vì thế, đất nước họ mới phát triển mạnh mẽ.
Cũng giống như TS Trần Hà Liên Phương, những nghiên cứu của TS Nguyễn Xuân Nhiệm đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tìm ra thuốc chống ung thư. Những công trình có giá trị y học quan trọng của anh như Nghiên cứu sàng lọc hoạt tính diệt tế bào ung thư, kháng viêm và tiểu đường từ các cây thuốc và sinh vật biển Việt Nam, phát hiện được trên 100 hợp chất mới từ trên 50 cây thuốc, nhiều hợp chất thể hiện hoạt tính mạnh và đang được nghiên cứu sâu hơn. Anh cũng là Chủ nhiệm Đề tài Nghiên cứu xây dựng qui trình phân lập hợp chất acetogenin và các hoạt chất có khả năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư từ quả loài Na biển (Annona glabra).
Kết quả đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Kết quả nghiên cứu là đã phát hiện ra 5 hợp chất mới, hai hợp chất có tác dụng diệt tế bào ung thư mạnh nhưng không độc với tế bào thường. Anh cũng tham gia đề tài Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng Nghiên cứu phát hiện và xây dựng quy trình phân lập các chất có hoạt tính kháng ung thư của một số loài hải miên ở Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Kết quả là đã thu và xác định được 73 mẫu hải miên, tạo dịch chiết sàng lọc hoạt tính gây độc tế bào ung thư. Từ 10 loài được lựa chọn đã phân lập được 97 hợp chất, trong đó có 14 hợp chất mới. Kết quả của đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Tác giả cũng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu về phát hiện các hoạt chất quý.
Ở thời điểm hiện tại, nhà khoa học trẻ đang miệt mài nghiên cứu về cách hợp chất có hoạt tính diệt tế bào ung thư và trị bệnh tiểu đường từ các cây thuốc quý và sinh vật biển Việt Nam.