Trao “cần câu”, chốt sổ người đóng 20 năm bảo hiểm
Bộ Nội vụ khi xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đều nhấn mạnh đến việc sẽ ban hành cơ chế đủ mạnh khi tinh gọn tổ chức bộ máy lần này. Theo ông, các cơ chế, chính sách như thế nào được gọi là nổi trội, đủ mạnh, để tạo được sự đồng thuận, thỏa đáng cho những người trong diện ảnh hưởng?
TS Bùi Sỹ Lợi |
Trước tiên, chúng ta phải khẳng định, việc ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh cho đối tượng bị ảnh hưởng khi tinh gọn tổ chức bộ máy là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế đủ mạnh như thế nào lại là vấn đề cần phải suy nghĩ, tính toán cho phù hợp.
“Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Tinh thần của chính sách là làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng. Vì vậy, chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy” Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin
Về chủ trương, chúng ta phải tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, cũng như sự ủng hộ, đồng tình cao của cán bộ, công chức, viên chức. Muốn vậy, cần có chính sách hợp lý, bù đắp thỏa đáng để cán bộ sẵn sàng ra khỏi biên chế, tinh gọn bộ máy, phát triển đất nước. Đây là một vấn đề sống còn của một quốc gia. Muốn phát triển phải có sự hy sinh, và sự hy sinh ở đây là cần thiết.
Do vậy, cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi bộ máy, nhà nước phải có khoản trợ cấp để họ duy trì và đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài, không bị bỏ lại phía sau.
Khoản trợ cấp này cũng tạo điều kiện để họ tìm kiếm việc làm mới, đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Họ đang là cán bộ công chức, giờ lại ra ngoài làm kinh doanh, dịch vụ khác, nếu không có vốn liếng, sao mà làm được. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, tức là túi ngân sách của nhà nước.
Vậy, giải pháp nào để có thể hài hòa được vấn đề này, thưa ông?
Đề bạt, bổ nhiệm và sẵn sàng nâng lương để giữ chân người tài. Ảnh minh họa |
Quan điểm đầu tiên là phải động viên, khuyến khích để người còn dưới 5 năm công tác thì về hưu sớm. Với những đối tượng này, nên hỗ trợ họ bằng cách không giảm tỷ lệ hưu trí 75%, hoặc có giảm nhưng chỉ giảm khoảng 1% thôi.
Còn với những người đã đóng đủ từ 15 - 20 năm bảo hiểm rồi, thì khuyến khích người ta chốt sổ bảo hiểm xã hội. Khi đó, nhà nước sẽ cho họ một khoản kinh phí để chuyển đổi nghề nghiệp, lo việc làm mới. Còn với bảo hiểm xã hội, họ sẽ chuyển sang đóng tự nguyện để tính lương hưu cho sau này.
Nhưng vì nguồn lực nhà nước có hạn, nên cũng không thể hỗ trợ một cách vô biên được. Để đảm bảo sự ổn định lâu dài, ngoài hỗ trợ bằng tiền, nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho họ vay thêm vốn ở mức lãi suất thấp, hoặc lãi suất bằng không. Đây cũng là cách để trao “cần câu” cho họ.
Đề bạt, bổ nhiệm người tài và sẵn sàng nâng lương
Điều đáng quan tâm khác là nhà nước phải có giải pháp gì để tránh chảy máu chất xám và giữ chân được người tài, thưa ông?
Đây đúng là vấn đề cần quan tâm, để bộ máy vừa tinh gọn nhưng phải vừa hiệu lực, hiệu quả. Nếu không cẩn thận, người tài lại ra khỏi bộ máy, còn người kém thì ở lại, nên cần phải tính toán rất kỹ. Cho nên, việc giải quyết ai ở, ai về, phải hết sức minh bạch, công khai, có sự thống nhất cao và tránh tình trạng “con ông cháu cha”. Dù là ai, nhưng nếu trình độ, năng lực của anh không bằng người khác, thì phải nhường vị trí cho người tài năng hơn ở lại.
Cần hết sức công tâm trong việc này và phải bố trí sắp xếp theo vị trí việc làm, đúng sở trường của họ. Xin lưu ý, vị trí việc làm ở đây không phải như với cải cách tiền lương. Ví dụ, anh học luật thì phải làm luật, học cơ khí phải làm cơ khí, chứ học cơ khí mà đi làm quản lý xã hội thì quản lý làm sao được?
Do vậy, để giữ chân người tài, giải pháp đầu tiên phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ. Cũng không thể có chuyện người tài mà lại bị anh dốt quản lý, như thế sẽ không thể phát triển được.
Trong trường hợp nếu người ta đủ điều kiện, đủ năng lực, cần cất nhắc đề bạt, bổ nhiệm họ. Nếu năng lực của họ làm việc bằng nhiều người khác, buộc phải nâng lương cho người ta. Chúng ta đang hướng tới nền kinh tế thị trường, tiền lương phải trả đúng chi phí sức lao động. Ví dụ, lương của anh đang 10 triệu đồng, nếu có năng lực, tôi sẵn sàng nâng cho anh gấp đôi, lên 20 triệu đồng. Như vậy mới thỏa đáng và giữ chân được người tài, vì nếu không họ sẽ ra ngoài làm việc, vẫn mức lương như thế, thậm chí còn hơn thế.
Có ý kiến cho rằng, để tinh gọn nhiều hơn nữa, có thể áp dụng phương án, với những người đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm, họ có thể xin nghỉ việc và được hưởng lương hưu luôn, thay vì chờ đến đủ tuổi mới được nhận lương hưu theo quy định?
Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là có đóng có hưởng, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Nếu anh chỉ đóng bảo hiểm 20 năm mà muốn hưởng lương hưu luôn, tính ra khi đó anh mới ngoài 40 tuổi. Nếu chỉ dừng ở 20 năm mà không đóng bảo hiểm tiếp nữa, thì lấy tiền đâu ra để trả? Theo quy định, nếu chỉ đóng và hưởng ở mức 20 năm, anh chỉ được 50% lương hưu thôi, nếu đóng 15 năm cũng chỉ được 45%. Còn nếu muốn đóng 20 năm mà vẫn được hưởng 75% lương, thì nhà nước buộc phải “bơm” tiền vào, nếu không sẽ mất cân đối quỹ bảo hiểm.
Chính vì thế, với những người đủ năm nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp còn 5 năm công tác thì có thể nghỉ hưu và cho hưởng cả. Các đối tượng còn lại nên chốt sổ bảo hiểm xã hội và hỗ trợ theo cơ chế một lần như tôi vừa đề cập. Như vậy, khi anh về rồi sẽ lựa chọn đóng tiếp bảo hiểm (tự nguyện) để sau này nhận lương hưu cao hơn; hoặc không đóng nữa thì sau này hưởng mức lương thấp. Đó là phương án tối ưu nhất. Chúng ta không thể mở ra một cách ào ạt, được người này, mất người kia và có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Cảm ơn ông !