Truyền thuyết về cầu Ô Thước

Truyền thuyết về cầu Ô Thước
TP - Ngày xửa ngày xưa, dòng sông Ngân đã ngăn cách hai bờ trên Thiên Đình, gây muôn vàn khó khăn cho người dân sống ở hai bên bờ. Ngọc Hoàng luôn ao ước có thể xây được một cây cầu.

Một viên quan nhỏ trong triều tên là Ô Thước lén biết mong ước của Ngọc Hoàng nên lẳng lặng đi học xây cầu ở dải Thiên Hà kế bên. Thấy có người biết xây cầu, Ngọc Hoàng mừng lắm:

-Ta không ngờ ngươi lại biết được tâm nguyện của ta. Giờ ngươi hãy xây chiếc cầu đi, mọi khó khăn gì ta sẽ tạo điều kiện cho ngươi sớm hoàn thành.

Ô Thước quỳ xuống:

-Thần không mong gì hơn là được Ngọc Hoàng nhận làm con nuôi để tiện trong việc huy động quan quân, thu gom ngân lượng cho xây cầu. Mong Ngọc Hoàng chuẩn y!

-Được! Ta đồng ý, miễn là ngươi sớm hoàn thành chiếc cầu.

Nói là làm. Ngay lập tức Ngọc Hoàng ký giấy cho phép Ô Thước được làm con nuôi, tự do làm tất cả mọi việc để xây cầu.

Được làm con nuôi Ngọc Hoàng, Ô Thước thoải mái vung tiền, kéo anh em bè phái để xây cầu. Vì thế dù chiếc cầu nhanh chóng hoàn thành nhưng ngân lượng huy động đã tốn gần gấp 3 so với dự kiến. Thậm chí tên cầu cũng lấy tên mình. Quan quân trên Thiên triều tức anh ách, nhưng chẳng dám động đến hắn.

Ngày khánh thành cầu, dân chúng cả hai bờ nô nức kéo nhau đi xem. Đích thân Ngọc Hoàng tới cắt băng khánh thành và tuyên bố đây là chiếc cầu biểu tượng cho Thiên Đình và trao thưởng cho Ô Thước rất hậu. Vỗ tay ủng hộ lời phát biểu của Ngọc Hoàng, dân chúng ai cũng tin rằng từ nay mình sẽ có cuộc sống khá hơn, không bị đò giang cách trở như bao đời trước đây.

Cầu khánh thành được vài hôm, Ô Thước bèn lập trạm trên cầu, thu tiền tất cả những ai đi qua cầu. Thấy thế, Ngọc Hoàng bèn gọi Ô Thước lại:

-Sao ngày xưa con nói với ta là chỉ thu tiền xe cộ qua cầu mà bây giờ con lại thu phí cả trâu bò, cả người đi bộ?

Ô Thước quỳ xuống mà rằng:

-Ngọc Hoàng thử tính coi. Ngày xưa không có cầu, dân muốn qua bờ kia phải chèo đò, ăn ba bát cơm qua tới bờ bên kia chỉ còn 1 bát. Nay có cầu, con thu của họ 1 bát cơm thì họ vẫn còn 2 bát, như thế hợp lý quá còn gì.

Ngọc Hoàng thấy thế chỉ biết thở dài. Nhưng lại cũng chỉ vài bữa sau đó, Ô Thước lại trình giấy, xin Ngọc Hoàng cấm tất cả mọi người qua sông bằng đò. Lần này Ngọc Hoàng nổi nóng thực sự:

-Này! Tại sao ta lại cấm đi đò trên sông. Những con đò đã có từ hàng ngàn năm nay, ta mà cấm thì khác gì bắt chẹt họ quá đáng.

Ô Thước lại quỳ xuống thưa tiếp:

-Giờ mỗi tháng con thu được có 3 ngàn lượng, không đủ trả tiền lãi cho Ngân Đình. Nếu Ngọc Hoàng không bắt dân chúng nộp tiền cho con thì con lấy gì để trả nợ đây?

Ngọc Hoàng thở dài:

-Ta không biết! Giờ ta mà cấm đò thì quan quân trong triều không để cho ta yên đâu. Thôi thì con muốn làm gì thì làm, nhưng việc cấm đò thì ta không thể.

Y lệnh, Ô Thước đành về tăng phí qua cầu gấp 3 để hy vọng thu đủ tiền. Phí cao, người dân lại trở về với con đò khi xưa, chẳng thấy ai đi qua cầu nữa nên một thời gian, cầu Ô Thước đành đóng cửa.

Tuy nhiên vào những dịp mưa ngâu, dòng sông Ngân lại nổi sóng cuồn cuộn, chẳng ai dám đi đò qua sông mà đành ngồi nhà ngó bờ bên kia. Chỉ có cặp tình nhân sống ở hai bên bờ nghe đâu tên là Ngưu Lang và Chức Nữ vì quá yêu nhau nên nghiến răng nộp tiền qua cầu để được gặp nhau trong ngày đó. Và vì thế, dưới Dương gian ngày nay được nhìn thấy chiếc cầu Ô Thước là nhờ cặp Ngưu Lang- Chức Nữ, tình yêu của họ thật đẹp, lung linh trên chiếc cầu thu phí cao.


MỚI - NÓNG