Trường đại học tăng học phí: Sinh viên kêu trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc không ít trường đại học tại TPHCM thay đổi chính sách học phí ngay đầu năm học khiến nhiều sinh viên phản ứng.

Năm học 2023 - 2024 vừa bắt đầu, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM đã ban hành thông báo thu học phí theo học kỳ cố định, mức thu 35 triệu đồng/sinh viên, riêng ngành công nghệ thông tin là 36 triệu đồng. Thông báo trên ngay lập tức bị nhiều sinh viên phản ứng vì cho rằng việc này khiến người học phải đóng nhiều hơn 10 triệu đồng so với cam kết từ nhà trường, trong 3 năm rưỡi học tập chỉ đóng học phí toàn khoá học 365 triệu đồng. Nhiều sinh viên muốn đóng tiền học phí theo số tín chỉ thực học, thay vì đóng theo từng học kỳ.

“Nhà trường thông báo số tiền dư sẽ được hoàn trả vào học kỳ cuối cùng nhưng như vậy là không phù hợp, không đúng cam kết”, một sinh viên bày tỏ.

Đây không phải lần đầu tiên sinh viên tại TPHCM phản ứng vì thông báo tăng học phí của các trường đại học. Đầu tháng 9, trong buổi sinh hoạt định hướng tân sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông báo học phí chương trình chuẩn với tân sinh viên sẽ dao động từ 13 đến 16,25 triệu đồng/học kỳ.

Với các khóa trước, học phí được tính dao động 693.000 - 827.000 đồng mỗi tín chỉ. Trong khi đó, năm ngoái mỗi tín chỉ có phí 555.000 - 652.000 đồng, tức năm nay tăng 33,3% so với năm trước. Trên diễn đàn sinh viên của nhà trường thời điểm đó nổi lên những cuộc tranh luận bày tỏ bức xúc của sinh viên khi học phí tăng cao.

Trường đại học tăng học phí: Sinh viên kêu trời ảnh 1

Học phí đầu năm học đang là gánh nặng của nhiều sinh viên khó khăn ảnh minh họa: Nguyễn Dũng

“Ngay từ đầu nhà trường cam kết không tăng quá 10% học phí mỗi năm. Bộ GD&ĐT khuyến khích không tăng học phí. Sinh viên khó khăn sẽ không chi trả nổi, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học”, P (sinh viên năm thứ 2) nói.

Các trường nói gì?

Theo tìm hiểu của PV, sau khi sinh viên phản ứng về mức thu học phí mới, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM ngày 2/10 có buổi họp để giải thích với sinh viên.

“Nhà trường khẳng định dù phương thức thu như thế nào, tổng số học phí sinh viên đóng cũng không vượt quá 365 triệu đồng như cam kết của trường. Tuy vậy, thông báo ra chậm khi sinh viên đang học quân sự nên trường chưa thể gặp gỡ, trao đổi”, N.T (sinh viên của trường) thuật lại lời giải thích của đại diện nhà trường tại buổi gặp gỡ với sinh viên.

N.T cho biết, nhà trường khẳng định sẽ không có việc thu dư học phí của sinh viên. Với sinh viên được miễn môn tiếng Anh, số tiền sinh viên đã đóng sẽ được cấn trừ vào học kỳ sau.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông tin, sau khoảng 3 năm không tăng học phí, trường gặp nhiều khó khăn để đầu tư, nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, chi phí vận hành.

Nhà trường đã kêu gọi hỗ trợ, huy động nguồn lực doanh nghiệp để trang bị hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, máy lạnh ở các phòng học để phục vụ việc dạy và học.

Theo đại diện của trường, trong khối kỹ thuật nói chung, học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vẫn thấp hơn các trường khác. Trường cũng dự kiến trích lập quỹ hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn và cấp học bổng khuyến khích học tập.

Trong khi đó, nhiều trường khác vẫn giữ nguyên mức học phí như những năm trước dù đề án tuyển sinh công bố tăng thêm 10%. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM thông báo giữ nguyên mức học phí như năm trước, dao động từ 13 đến 24 triệu đồng/năm. Tương tự, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM 4 năm nay cũng giữ nguyên mức học phí với hệ đại trà là 354.000 đồng/tín chỉ, tương đương 12 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, một số trường đại học tìm nhiều nguồn thu khác nhau, để không còn lệ thuộc quá nhiều vào học phí. Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho hay, hằng năm, nhà trường nhận tài trợ từ các doanh nghiệp, thông qua trang bị thiết bị cho các phòng thí nghiệm, quy đổi ra tiền mặt khoảng vài chục tỷ đồng/năm.

Việc này chiếm khoản 10% tổng nguồn thu từ nhà trường. Từ những cơ sở vật chất này, sinh viên có thêm nơi học tập, nghiên cứu mà nhà trường không tốn chi phí đầu tư. Ngoài ra, trường còn tạo nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, song nguồn thu từ các dịch vụ này chỉ chiếm tỷ lệ 5% trong tổng nguồn thu. Hiện nhà trường thu hút được 2 doanh nghiệp tham gia thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

“Ngay khi thực hiện tự chủ từ năm 2015, nhà trường đã trích lập quỹ dự phòng nên vẫn đảm bảo các khoản chi thường xuyên dù không tăng học phí. Với những trường vừa tự chủ trong những năm gần đây, họ chưa có quỹ dự phòng trong khi phải dành nhiều khoản đầu tư, nên khi học phí không tăng sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nhân nói.'

Chiều 3/10, phản hồi với PV Tiền Phong, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM xác nhận, gần đây sinh viên có phản ánh về việc trường thu học phí theo học kỳ cố định thay vì thu theo tín chỉ.

Theo nhà trường, đối với khóa tuyển sinh năm 2022, sinh viên sẽ đóng học phí theo môn học. Theo đó, tùy vào lộ trình đào tạo của các năm 1, 2, 3 và 4, sinh viên sẽ đóng học phí theo môn học và nguyện vọng đăng ký (học vượt, hoặc giảm thiểu môn) của sinh viên ở từng học kỳ, từng năm học.

Với lộ trình đào tạo đặc thù các năm là khác nhau, năm nhất các sinh viên sẽ học khoảng 10 môn học/năm, tuy nhiên sang năm 2, năm 3, tập trung vào chương trình chuyên ngành, sinh viên sẽ học khoảng 15-20 môn học/năm, do đó việc đóng học phí sẽ có sự khác biệt giữa các năm.

Để đảm bảo lộ trình học tập và hỗ trợ thông tin để phụ huynh, sinh viên an tâm ổn định tài chính của gia đình trong những học kỳ và năm học tiếp theo, ngày 5/9 trường có thông báo đến sinh viên về việc thay đổi hình thức thu học phí theo học kỳ. Nhà trường đảm bảo tổng học phí toàn khóa sẽ không thay đổi.

MỚI - NÓNG