Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam và sức mạnh cộng đồng quốc tế

TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/8, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nói rằng, các nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam và sức mạnh của cộng đồng quốc tế ít nhiều có tác dụng với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam và sức mạnh cộng đồng quốc tế ảnh 1

GS Carlyle Thayer

“Cộng đồng quốc tế thời gian qua đã có tiếng nói mạnh mẽ trước các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông mà động thái mới nhất là đưa nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Mỹ, Nhật Bản, Úc, Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế gần đây gia tăng chỉ trích các hành động như vậy của Trung Quốc trên biển Đông. Một thông tin đáng chú ý là tàu Trung Quốc vừa rút khỏi vùng biển Việt Nam.

Theo dữ liệu của Hệ thống Phân tích biển Winward (có trụ sở ở London), ngày 7/8, tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Hải dương địa chất 8) rời bãi Tư Chính trong EEZ của Việt Nam.

Ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, chiều 7/8, nhóm tàu Hải Dương 8 đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo UNCLOS; các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.

Việc tàu Haiyang Dizhi 8 rời khỏi bãi Tư Chính có thể cho thấy rằng, sự bế tắc hiện nay đã chấm dứt. Tuy nhiên, Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc hoặc Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có tuyên bố về tàu Haiyang Dizhi 8.

Trước đó, tuyên bố chung Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 52 có những từ ngữ mạnh mẽ (nhằm vào Trung Quốc) hơn các tuyên bố chung trong những năm gần đây.  

Tuyên bố chung AMM 51 năm 2018 có đoạn: “Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan biển Đông và ghi nhận một số quan ngại về cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực. Các hoạt động đó đã làm suy giảm lòng tin, sự tin tưởng, gia tăng căng thẳng và có thể làm xói mòn hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Tuyên bố chung AMM 52 năm 2019 mạnh mẽ hơn. Tuyên bố chung có đoạn viết: “Chúng tôi đã thảo luận tình hình ở biển Đông, trong đó một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại về cải tạo đất, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực. Các động thái này đã làm suy giảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Nói cách khác, tuyên bố chung năm nay làm rõ rằng, mối quan ngại được thể hiện bởi ngoại trưởng của hơn một thành viên ASEAN và quan ngại này là vệ các sự cố nghiêm trọng. Đó chính là việc Trung Quốc có những hoạt động phi pháp ở bãi Tư Chính, bãi cạn Luconia và đảo Thị Tứ”.

Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam và sức mạnh cộng đồng quốc tế ảnh 2 Tàu Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Getty,
Theo Thái An thực hiện
MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…