Đại diện Tajikistan (trái) và Trung Quốc tại cột mốc biên giới mới. Ảnh: Chinamil.com.cn . |
Website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa thông báo các điều khoản cuối cùng về việc phân định biên giới với Tajikistan ở Parmirs đã được hoàn tất sau một cuộc họp mới đây.
Bộ này tuyên bố “tranh chấp về lãnh thổ hơn 130 năm qua đã được giải quyết” và lễ phân định chính thức tại cột mốc biên giới thứ 75 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 20.10. Vùng cao nguyên Pamirs có dân cư thưa thớt nhưng rất giàu tài nguyên, nhất là vàng và uranium…
Theo AP, tranh chấp bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, khi Tajikistan còn thuộc nước Nga Sa hoàng. Cả đế chế Sa hoàng lẫn Liên Xô đều không thể đạt thỏa thuận với Trung Quốc về biên giới chung. Đến năm 2002, Tajikistan chấp nhận trả lại 1.158 km2 đất nhưng quyết định này vấp phải sự phản đối dữ dội trong nước.
Cho tới tháng 4.2010, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Tajikistan Emomalii Rahmon, hai bên mới ký thỏa thuận mới về phân chia biên giới và thỏa thuận này được Quốc hội Tajikistan thông qua đầu năm nay.
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời một số chuyên gia nhận xét việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố thông tin trên vào đúng dịp Quốc khánh nước này là một động thái “phô trương thắng lợi” và tăng thanh thế cho các cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước khác.
Hồi tháng 1, thủ lĩnh phe đối lập ở Tajikistan Mukhiddin Kabiri gọi việc nhượng đất là vi hiến và là một thất bại của nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hamrokon Zarifi lại xem đó là một “thắng lợi” do Trung Quốc lúc đầu đòi hơn 28.000 km2.
Theo Chosun Ilbo, để Tajikistan đồng ý nhường đất, Trung Quốc đã cho nước này vay hơn 10 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng với lãi suất thấp. Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào láng giềng với hơn 50 dự án hiện tại, bao gồm thủy điện, đường sá, khai thác khoáng sản…
Ngoài phần đất nhận được từ Tajikistan, Trung Quốc cũng đang nới rộng biên giới “ảo” ở Trung và Nam Á bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng và vị thế thông qua đầu tư kinh tế.
Báo The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định: “Về nhiều phương diện, các nước Trung Á hoan nghênh những khoản đầu tư của Trung Quốc và cả Mỹ. Nhưng có sự thiếu minh bạch trong việc đầu tư của Trung Quốc và quan hệ với những nước đó”.
Người dân địa phương, đặc biệt là ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, cũng lo ngại trước làn sóng di dân Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào. Cũng theo The New York Times, Pakistan đã trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát trên thực tế khu vực Gilgit-Baltistan trong phần lãnh thổ Kashmir do Islamabad kiểm soát, gây nhiều lo ngại cho Ấn Độ.
Theo Ngọc Bi - Văn Khoa
Thanh Niên