Trung Quốc phóng vệ tinh định vị: Thêm lĩnh vực cạnh tranh với Mỹ

Một vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 5/11/2019 Ảnh: Getty Images
Một vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 5/11/2019 Ảnh: Getty Images
TP - Trung Quốc đã phóng vệ tinh cuối cùng của hệ thống định vị Bắc Đẩu hôm thứ Ba, trở thành đối thủ mới với hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ, GLONASS của Nga.

Đến nay, chỉ có bốn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) chính: GPS (Mỹ), GLONASS (Nga), Galileo (EU) và giờ là Bắc Đẩu. Ấn Độ và Nhật Bản vận hành các hệ thống nhỏ hơn, theo CNN.

Hầu hết mọi người đều quen thuộc với GPS, được sử dụng cho mọi thứ, từ định vị cá nhân trên điện thoại thông minh, đến theo dõi máy bay và tàu container trên toàn thế giới.

Bắc Đẩu là hệ thống riêng có của Trung Quốc. Ở nước này, nhiều người hy vọng rằng Bắc Đẩu có thể là đối thủ cạnh tranh toàn cầu với GPS, nhưng hệ thống của Mỹ vẫn có “thị phần tuyệt đối”, Tống Trọng Bình, một chuyên gia quân sự Trung Quốc từng làm việc cho Bộ Nội vụ và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nói.

Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc muốn có hệ thống định vị mới bởi mong muốn giảm phụ thuộc vào GPS của Mỹ, đặc biệt là trong các hoạt động quân sự.

Theo Andrew Dempster, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật không gian Úc (ACSER) tại Đại học New South Wales, một quốc gia có mạng lưới GNSS riêng có một vài lợi thế. “Thành thật mà nói Bắc Đẩu không có gì đặc biệt”, ông Dempster nói. “Đó chỉ đơn giản là uy tín. Người Trung Quốc muốn nói rằng họ đã có nó. Cũng giống như lên mặt trăng và cắm cờ thôi”.

Dempster nói rằng trong khi trong những năm gần đây nổ ra những cuộc tranh luận về những rủi ro khi sử dụng cơ sở hạ tầng internet của Trung Quốc, như nhà cung cấp dịch vụ 5G Huawei, những lo ngại tương tự không áp dụng cho các hệ thống GNSS.

“Nó truyền tín hiệu, bạn có một máy thu và trừ khi có một số kênh khác, bạn không liên lạc ngược lại với hệ thống GPS hoặc hệ thống Bắc Đẩu”, ông nói.

Tuy nhiên, có một rủi ro khi quân đội sử dụng hệ thống GNSS của nước khác, khi chính phủ kiểm soát có thể bóp méo tín hiệu hoặc đơn giản là “đóng máy” khi cần thiết.

Viết trên tạp chí China Brief năm 2014, cựu sĩ quan tình báo, nhà phân tích Kevin McCauley nói rằng trong nhiều năm, Quân đội Trung Quốc (PLA) chủ yếu dựa vào GPS để định vị.

“Nhưng các thiết bị đầu cuối Bắc Đẩu nay có vẻ như được triển khai ở mức độ lớn hơn trong PLA, điều trước đây không có”, McCauley nói.

Bây giờ hệ thống đã hoàn tất, PLA và chính phủ Trung Quốc có thể dựa vào hệ thống định vị của riêng họ.

Dempster nói rằng điều này có thể quan trọng đối với Bắc Kinh, đặc biệt là khi căng thẳng với Mỹ gia tăng trên một loạt các mặt trận.

“Có hệ thống riêng đối với họ là cần thiết vì nếu có xung đột liên quan đến một số đảo ở biển Đông, họ có thể bị từ chối dịch vụ GPS trong khi quân đội Mỹ vẫn sử dụng bình thường”, ông Dempster nói.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể không chỉ thúc đẩy để Bắc Đẩu trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng với GPS. Vừa rồi, Pakistan, đồng minh thân cận của Trung Quốc đã được cấp quyền truy cập vào mạng Bắc Đẩu, thay thế mạng của Mỹ. Các chuyên gia cho biết quyền truy cập có thể được cung cấp cho các quốc gia tham gia sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Theo CNBC, Thái Lan và Pakistan đã sử dụng hệ thống Bắc Đẩu cho một số mục đích. Tân Hoa Xã dẫn lời Dương Trường Phong, kỹ sư chính của hệ thống Bắc Đẩu nói, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đang sử dụng mạng định vị này.

Mỹ và Nga bắt đầu xây dựng GNSS trong thời Chiến tranh Lạnh. GPS lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất vào năm 1973, trong khi GLONASS của Nga bắt đầu sáu năm sau đó. Cả hai đều được nói là “hoạt động đầy đủ” vào năm 1995.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng Bắc Đẩu từ năm 1994. Công việc trên Galileo bắt đầu muộn hơn nhiều, nhưng mạng của EU dự kiến hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2020.Các hệ thống của Mỹ, Nga và bây giờ là Trung Quốc đều thuộc sở hữu hoặc điều hành bởi quân đội. Mạng Galileo là hệ thống GNSS dân sự thuần túy duy nhất.

MỚI - NÓNG