Tên lửa Trường Chinh 2F đưa tàu vũ trụ Thần Châu 17 cùng 3 phi hành gia Trung Quốc bay lên quỹ đạo ngày 26/10. (Ảnh: Xinhua) |
Tên lửa đưa tàu vũ trụ cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi lúc 11h14 sáng.
Tàu vũ trụ dự kiến sẽ bay quanh quỹ đạo trong gần 7 giờ trước khi tự động khớp với trạm. Trạm vũ trụ Thiên Cung nằm ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cách Trái đất khoảng 380 km. Ba phi hành gia mới sẽ nhập nhóm cùng phi hành đoàn Thần Châu 16, những người đã sống trên trạm được gần 5 tháng.
Nhóm phi hành gia Thần Châu 17 sẽ là nhóm thứ ba sống và làm việc trên trạm Thiên Cung trong năm nay. Họ sẽ ở lại cho đến tháng 4, khi nhóm phi hành gia Thần Châu 18 lên tiếp quản.
Ba cựu phi công chiến đấu, tuổi trung bình là 38, được giới thiệu tại cuộc họp báo ngày 25/10.
Chỉ huy của nhóm Thần Châu 17 là Tang Hongbo, 48 tuổi, từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 12 năm 2021.
Ông Lin Xiqiang, phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, cho biết Tang không chỉ là phi hành gia đầu tiên sống trên trạm vũ trụ hai lần mà còn lập kỷ lục là phi hành gia Trung Quốc “có khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai nhiệm vụ”.
Quê ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, Tang gia nhập lứa phi hành gia thứ hai của Trung Quốc vào năm 2010, sau khi làm phi công chiến đấu trong quân đội.
Tháng 11/2021, ông được trao giải thưởng “Phi hành gia anh hùng” vì những đóng góp cho chương trình không gian của Trung Quốc.
Tang cho biết, ông “mơ về việc trở lại vũ trụ” trong hai năm qua và nói rằng trạm vũ trụ đã trở thành nhà. “Tôi rất bình tĩnh, tôi chỉ tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ này một cách thành công”, Tang nói trong cuộc họp báo ngày 25/10.
Hai phi hành gia còn lại trong sứ mệnh lần này là Jiang Xinlin và Tang Shengjie, đều là cựu phi công chiến đấu của quân đội.
Tang Shengjie, 33 tuổi, quê ở Cam Túc, được chọn vào lứa phi hành gia thứ ba của Trung Quốc từ năm 2020.
Là thành viên trẻ nhất của nhóm phi hành gia mới, Tang Shengjie cho biết anh tin tưởng phi hành đoàn sẽ hoàn thành các mục tiêu của sứ mệnh.
Jiang, 35 tuổi, quê tỉnh Hà Nam, cũng gia nhập cơ quan vũ trụ từ năm 2020. Anh nói rằng anh cảm thấy “may mắn được sinh ra trong thời đại” có cơ hội du hành vũ trụ.
Sứ mệnh Thần Châu 16 gần đây nhất báo hiệu sự khởi đầu của “giai đoạn ứng dụng và phát triển” trong chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, bao gồm nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, giáo dục khoa học và bảo trì trạm.
Nhóm phi hành gia Thần Châu 17 sẽ tiếp tục công việc của nhóm trước, với 70 thí nghiệm về y học vũ trụ, công nghệ sinh học, sinh thái học, vật lý chất lỏng, khoa học vật liệu, cùng nhiều lĩnh vực khác. Lin cho biết họ cũng thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian và một số nhiệm vụ mang tải trọng.
Nhóm Thần Châu 16 dự kiến sẽ trở về Trái đất vào ngày 31/10.