The Washington Free Beacon dẫn báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc được trình bày trước Quốc hội Mỹ cho biết: “Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo mới được định danh là Đông Phong-41 (DF-41), có thể cùng một lúc mang nhiều đầu đạn hạt nhân chỉ trong một lần phóng”.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, giới chức quân sự Mỹ thừa nhận sự phát triển DF-41, mà theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm hai lần từ từ năm 2012, và lần gần đây nhất vào tháng 12/2013.
Cùng thời điểm năm 2013, The Washington Free Beacon cũng lần đầu tiên công khai chi tiết sự hiện diện của DF-41 trong chương trình vũ khí đạn đạo của Trung Quốc.
Theo đó, DF-41 là sự tích hợp của nhiều loại tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, bao gồm DF-31, DF-31A và JL-2.
Đánh giá của tình báo công nghệ Mỹ, tên lửa đạn đạo DF-41 có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.
“Chúng tôi đã có thông tin về sự xuất hiện của DF-41 từ năm 2007, nhưng ở thời điểm hiện nay, Lầu Năm Góc hiểu rằng sức mạnh của đầu đạn hạt nhân Trung Quốc đã tăng đáng kể so với thời điểm đó”, Rick Fisher, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc nói.
Theo Rick Fisher, tầm hoạt động của DF-41 có thể đạt khoảng từ 11.500 đến 12.000 km. Và như vậy, DF-41 có khả năng đạt tới bất kỳ mục tiêu nào trong lục địa Mỹ một khi xung đột giữa hai cường quốc quân sự này nổ ra.
Trong khi đó, khoảng cách từ căn cứ tên lửa ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đến Washington là hơn 11.800 km, đến New York là hơn 11.600 km và đến Los Angeles là hơn 11.100 km.
Nếu được phóng từ thành phố Thanh Hải ở phía tây Trung Quốc, quãng đường mà tên lửa phải đi đến Washington ngắn hơn, gần 11.600 km.
Bên cạnh những cảnh báo về sự nguy hiểm của DF-41, Lầu Năm Góc cũng công bố các dữ liệu liên quan tới việc Trung Quốc triển khai ba tàu ngầm hạt nhân lớp Jin (lớp Tấn), có thể mang tên lửa đạn đạo liên lục địa.
“Trung Quốc có khả năng tiến hành các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân đầu tiên của họ trên đại dương với các tàu ngầm hạt nhân lớp Jin”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Kết luận sơ bộ của Lầu Năm Góc, sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington, cũng như tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh.