Tốp vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc

Tốp vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc
Năm qua, Trung Quốc đã nhận và đưa vào hoạt đồng nhiều vũ khí mới. Trong đó, nổi lên 5 loại tiêu biểu là tàu sân bay, tiêm kích hạm, các phiên bản mới của máy bay tàng hình, trực thăng và tên lửa.

Tốp vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc

Năm qua, Trung Quốc đã nhận và đưa vào hoạt đồng nhiều vũ khí mới. Trong đó, nổi lên 5 loại tiêu biểu là tàu sân bay, tiêm kích hạm, các phiên bản mới của máy bay tàng hình, trực thăng và tên lửa.

Trong năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,7% lên 720,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 115,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Mỹ đây mới chỉ là con số được công bố, còn chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc ước tính khoảng 180 tỷ USD.

Việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, chủ yếu nhằm mục đích hiện đại hóa quân đội, mua sắm, nâng cấp, cải tiến và phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật mới.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những năm gần đây, Quân đội Trung Quốc đã đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí trang bị mới, nổi lên là 5 loại vũ khí trang bị tiêu biểu mới nhất gồm:

1. Tàu sân bay Liêu Ninh

Trong năm qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đã có một số hoạt động sau khi chính thức được biên chế vào Hải quân quốc gia này.

 Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh.

Với tàu Liêu Ninh, Trung Quốc chính thức bước vào thời đại tàu sân bay, trở thành nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng sở hữu loại tàu chiến này. Rõ ràng, đây là một cột mốc trên con đường phát triển đáng chú ý của Hải quân Trung Quốc.

Liêu Ninh vốn là con tàu “sắt vụn” Varyag mua lại từ Ukraine năm 1998 và sau nhiều năm cải tạo, Trung Quốc đã hoàn chỉnh con tàu với các hệ thống trang bị nội địa. Liêu Ninh có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 302,3m, thủy thủ đoàn 2.000 người. Tàu có khả năng chở 26 máy bay tiêm kích trên hạm J-15 và 32 máy bay trực thăng chống ngầm.

Mặc dù đã gia nhập Hải quân Trung Quốc nhưng con tàu còn đang trải qua quá trình huấn luyện thủy thủ, phi công tiêm kích hạm.

Theo giới chuyên gia, để tàu sân bay Liêu Ninh thực sự phát huy được khả năng tác chiến còn phải trải qua rất nhiều thời gian, nhưng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là một hình ảnh thu nhỏ của con đường hiện đại hóa quân đội 30 năm qua của Quân đội Trung Quốc.

2. Tiêm kích hạm J-15

Đi kèm sự kiện tàu sân bay Liêu Ninh là tiêm kích trên hạm J-15. Đây là chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất dành riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh. Ngày 25/11/2012, chiếc J-15 đầu tiên đã cất và hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh. Và trong năm qua, chiếc tiêm kích này đang hoàn thiện từng bước trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh.

 Tiêm kích hạm J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh
Tiêm kích hạm J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Dự án J-15 ra đời vào năm 2001, sau khi Trung Quốc mua được một chiếc Su-33 của Liên Xô từ Ukraine. Đây là dự án được phát triển và nghiên cứu chung bởi Viện Nghiên cứu 601 của Hải quân Trung Quốc và Tổng công ty hàng không Thẩm Dương.

J-15 được trang bị 2 động cơ công suất cao WS-10 (có nguồn cho là AL-31F Nga) và hệ thống thiết bị cất hạ cánh với cáp hãm đà mới. Theo đó, cánh của máy bay J- 15 có thể gập lại ở 2 bên, mang lại khả năng chiến đấu tuyệt vời và đáp ứng những yêu cầu đặc biệt trong khả năng cơ động cao, có thể sử dụng tốt các vũ khí trong nước, do có hệ thống tương thích, J-15 tác chiến ở cả trên biển và trên không.

Các vũ khí của J-15 gồm tên lửa không đối không PL-8, PL-12 hay tên lửa chống hạm YJ-83K, một số loại bom dẫn đường thông minh. Giới truyền thông Nga kết luận, J-15 là một bản sao từ loại tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga, bởi tất cả thiết kế khí động học của J-15 đều giống với máy bay của Nga.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại phản bác rằng, máy bay chiến đấu của họ được trang bị công nghệ vượt trước máy bay của Nga và có thể so sánh với các loại máy bay tiêm kích trên hạm đăng cấp trên thế giới như F/A-18 Super Hornet của Mỹ và Rafale của Pháp.

Trung Quốc bắt đầu chế tạo hàng loạt chiến đấu cơ J-15 từ cuối tháng 11/2013 và việc chuyển giao dòng chiến đấu cơ này cho Hải quân Trung Quốc đã được tiến hành. J-15 hiện trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Đầu tháng 12/2013 Trung Quốc phát đi thông báo, sẽ phát triển chiến đấu cơ J-15 phiên bản đặc chủng dành cho hải quân J-15.

Phiên bản đặc chủng của J-15 sẽ có 2 chỗ ngồi để dành cho các nhiệm vụ đặc biệt như: Đối kháng điện tử và tiếp liệu trên không. Dự kiến, phiên bản tiếp liệu trên không của J-15 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong 3-5 tháng tới, còn thời điểm thử nghiệm phiên bản đối kháng điện tử chưa được xác định.

3. Tiêm kích tàng hình J-31

Một loại vũ khí khác của Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm đó là tiêm kích tàng hình J-31 thế hệ thứ 5 do Tập đoàn Hàng không Thẩm Dương phát triển. Cách mà J-31 lộ diện cũng giống như cách mà J-20 xuất hiện năm 2011, ban đầu là một số hình ảnh mờ mờ, ảo ảo trên các trang mạng Trung Quốc.

Theo các chuyên gia phân tích, đây dường như là sự rò rỉ thông tin có chủ ý hơn là vô tình. Việc đăng các tấm ảnh này không thể thực hiện nếu không có sự cho phép từ Chính quyền Bắc Kinh.

Báo chí Trung Quốc cho rằng J-31 có thể được dùng làm tiêm kích hạm cho tàu Liêu Ninh
Báo chí Trung Quốc cho rằng J-31 có thể được dùng làm tiêm kích hạm cho tàu Liêu Ninh.

Qua các bức ảnh, J-31có kiểu dáng giống F-22 nhìn từ bên hông và giống F-35 nếu nhìn phía trước. J-31 được thiết kế ứng dụng công nghệ tàng hình về kiểu dáng và sơn phủ bên ngoài. Nhiều khả năng, J-31 sẽ là máy bay tiêm kích trên hạm tương lai trên tàu sân bay Liêu Ninh hoặc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng.

Tuy nhiên, để J-31 có thể đi vào phục vụ, có thể Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian nữa. Nhất là khi nước này vẫn chưa thể làm chủ công nghệ động cơ hàng không thế hệ 4+. Mặc dù tiêm kích tàng hình J-31 chưa bay, song Trung Quốc đã rêu rao và tính đem xuất khẩu.

4. Trực thăng chiến đấu Z-10 và Z-19

Hai loại máy bay trực thăng chiến đấu do Trung Quốc tự chế tạo gồm Z-10 và Z-19 đã luôn được giới truyền thông quốc tế quan tâm. Tháng 11/2012, Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại 2 trực thăng này tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 9.

 Trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10
Trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10.
 

Theo đánh giá của các chuyên gia thì hai loại máy bay này đứng vào top 3 trong số các máy bay trực thăng cùng loại trên thế giới. Máy bay trực thăng chiến đấu luôn bị phương Tây cho là điểm yếu trong trang bị Quân đội của Trung Quốc. Z-10 và Z-19 đã loại bỏ quan niệm này, nó phản ánh trình độ nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng của Trung Quốc đã đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Z-10 là trực thăng chiến đấu do Công ty công nghiệp máy bay Xương Hà và Tổng công ty chế tạo máy bay Cáp Nhĩ Tân cùng nghiên cứu phát triển. Bề ngoài trông khá giống máy bay AH-64 Apache của Mỹ. Z-10 dài 14,15m, cao 3,85m, trọng lượng 5,54 tấn, tốc độ bay tối đa 300km/h, bán kính hoạt động 800km.

Dư luận Mỹ thì cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ của hãng Pratt & Whitney, nên mới có thể chế tạo được loại trực thăng tấn công hiện đại Z-10. Còn Z-19 là máy bay trực thăng tấn công nhẹ hơn Z-10. Toàn bộ khung máy bay và động cơ của Z-19 được cho là sao chép từ máy bay AS365 Dauphin của Pháp. Z-19 có trọng lượng 4,5 tấn, tốc độ bay tuần tiễu 245km/h, tầm hoạt động tối đa 700km.

Trực thăng chiến đấu hạng nhẹ WZ-19
Trực thăng chiến đấu hạng nhẹ WZ-19.
 

Tháng 9/2013, các phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tin, trực thăng chiến đấu tối tân nhất nước này Z-10 và Z-19 là lựa chọn khả thi trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh. Theo lý giải báo chí Trung Quốc, trực thăng là loại máy bay rất quan trọng của tàu sân bay. Trực thăng chiến đấu không gặp bất kỳ khó khăn kỹ thuật nào trên tàu sân bay, thậm chí là có ưu thế hơn máy bay chiến đấu cánh cố định. Máy bay trên hạm của Liêu Ninh không thể toàn là máy bay chiến đấu như J-15, mà không gian còn lại có thể dành cho trực thăng.

Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, 3 tàu đổ bộ lớp Type 071 Côn Luân Sơn và thậm chí tàu khu trục, tàu hộ vệ đều có thể được trang bị trực thăng Z-10 hoặc Z-19 trở thành lực lượng tấn công trên biển bổ trợ cho tàu mẹ.

5. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41

Tháng 7/2012, Trung Quốc lần đầu bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 (DF-41). Đầu năm 2013, thông tin về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 không xuất hiện nhiều, song Trung Quốc vẫn sử dụng truyền thông đưa tin mờ ảo để nhằm mục đích khẳng định Trung Quốc vẫn đang ngầm phát triển loại tên lửa này và thị uy sức mạnh răn đe.

 Bệ phóng tự hành tên lửa đạn đạo DF-41
Bệ phóng tự hành tên lửa đạn đạo DF-41.
 

Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, DF-41 được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo SS-27 của Nga. Tên lửa có trọng lượng khoảng 63,5 tấn, dài 16,5 m. Tên lửa thiết kế với ba tầng động cơ nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tối đa tới 12.000 km, tốc độ bay gấp 25 lần vận tốc âm thanh.

Đặc biệt, DF-41 là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập nên sức tàn phá có thể nói rất khủng khiếp. Tuy Trung Quốc nhiều lần tuyên bố họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên mà chỉ nhằm để phản công mội cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào họ. Nhưng thông tin cuộc thử DF-41 đã làm giới chức Mỹ hết sức lo ngại khi với tầm bắn có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Theo Hoàng Nam
Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG