Trung Quốc nói về 'chính sách xoay trục' của Mỹ

Trung Quốc và chính sách xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ
Trung Quốc và chính sách xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ
TPO - Các cuộc thảo luận về việc thay đổi chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là nhằm vào Trung Quốc đang dấy lên những lo ngại lớn, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Nhà báo Liu Aming (Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc) có bài viết giải thích lý do tại sao nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Theo đó, ông Liu đánh giá cao góc nhìn của ông Robert Manning trong bài báo có tựa đề “Bắc Kinh hiểu sai việc Mỹ tái cân bằng Châu Á”.

Thời báo Hoàn cầu cho biết, ông Manning lưu ý rằng: “Hoa Kỳ không bao giờ rời mắt khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường liên minh với Nhật, Hàn, Úc và xây dựng những mối quan hệ đối tác với Singapore và các nước ASEAN khác đã và đang là mối quan tâm lớn trong chính sách của Mỹ từ trước khi Tổng thống Barack Obama đắc cử năm 2008”. Tuy nhiên, đây chỉ là đứng trên góc độ một phía.

Có thể việc kiềm chế Trung Quốc không phải mục tiêu duy nhất trong chính sách “hướng đông” của Tổng thống Obama, tuy nhiên yếu tố Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết.

Khoảng cách sức mạnh ngày càng hẹp giữa Trung Quốc và Mỹ đang khiến Mỹ lo ngại về ngôi vị của mình. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nhiều thách thức đối với Mỹ nhất trong khu vực. Do đó, chiến lược xoay trục sang Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ được đưa ra dựa trên nền tảng này.

Yếu tố Trung Quốc có thể được tìm thấy trong các hợp tác quân sự của Mỹ đối với đồng minh trong khu vực. Trước hết, các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh rõ ràng nhắm vào Trung Quốc. Mỹ và Nhật Bản cũng có tuyên bố chung yêu cầu quân đội Trung Quốc minh bạch hơn trong những cuộc tập trận thường xuyên, gồm các bài tập mô phỏng tình huống chiếm đảo mà họ cho rằng nhằm vào quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư.

Lực lượng Hải quân của cả Mỹ và Hàn Quốc tiến hành những cuộc tập trận chung trên vùng biển Hoàng Hải, việc vấp phải phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Mỹ gần đây có những cuộc thảo luận về vấn đề an ninh biển với những quốc gia như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong đó, mục đích của những cuộc thảo luận này là kêu gọi các nước kiềm chế Trung Quốc, theo Thời báo Hoàn cầu.

Tờ báo này cũng cho rằng, sau sự kiện 11-9, Mỹ thay đổi chiến lược ưu tiên quan hệ với những Đông Nam Á tiếp giáp biển và với các nước Hồi giáo. Thay vào đó, nước này hợp tác quân sự với các quốc gia gặp “vấn đề về an ninh” với Trung Quốc.

Nhà báo Liu cho rằng, trọng tâm các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và hợp tác quốc phòng với các nước khác là nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc.

Trước đây, mục đích các cuộc diễn tập quân sự ở Đông Á là chống khủng bố hoặc hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ đã bổ sung các hoạt động hằng hải chung và những kênh bảo vệ hằng hải tới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Thời báo Hoàn cầu còn nhấn mạnh, việc Mỹ cải tiến mạng lưới phòng thủ tên lửa rõ ràng nhằm vào tiềm lực tên lửa ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Ông Manning tin rằng, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương để “phản ứng với những lo lắng của các nước đồng minh và đối tác trong khu vực về sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc và tiềm lực quân sự” là thiếu sức thuyết phục.

Không thể phủ nhận các nước Châu Á - Thái Bình Dương có những nhu cầu về an ninh đối với Mỹ và Mỹ đang đáp lại những nhu cầu này ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, việc Mỹ xoay trục đến Châu Á là để tăng cường những nhu cầu này.

Lợi ích quốc gia và quan điểm toàn cầu quyết định tới việc Mỹ chuyển trọng tâm tới Châu Á. Bằng việc đáp lại những nhu cầu của các nước trong khu vực này, Mỹ không chỉ có thêm nhiều đối tác để tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự, mà còn có thể ngăn chặn các đối thủ tiềm năng thách thức quyền lợi của Mỹ bằng cách gây hấn “xuyên quốc gia”.

Vì vậy, Mỹ đang sử dụng những lo lắng và nhu cầu an ninh của các quốc gia này để phục vụ chiến lược của bản thân và “sự trỗi dậy của Trung Quốc” là lý do để Mỹ thúc đẩy chiến lược trên.

Nói chung, việc Mỹ “hướng Đông” là chiến lược lâu dài và toàn diện. Lý do tại sao Trung Quốc cảm thấy không thoải mái đó là sự hồ nghi giữa hai nước không hề thay đổi sau nhiều thập kỉ quan hệ đối ngoại song phương.

Phan Yến
Theo Thời báo Hoàn Cầu

Theo Dịch
MỚI - NÓNG