Hải quân Trung Quốc phóng thử tên lửa JL-3 trên vịnh Bột Hải vào tháng trước, báo Hong Kong South China Morning Post vừa dẫn một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết.
Tên lửa này có tầm xa khoảng 9.000km, vẫn còn kém xa mức 12.000km của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II của Mỹ và tên lửa Buluva của Nga.
Nhưng nguồn tin nói rằng cuộc thử nghiệm thành công nói trên cho thấy tiến bộ đáng kể của quân đội Trung Quốc vì phiên bản cũ hơn là JL-2 chỉ có tầm xa 7.000km.
“Đó vẫn là tiến triển lớn, dù vẫn kém hơn tên lửa Trident hay Bulava của Nga...tầm xa đó nghĩa là chúng có thể vươn đến bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới”, nguồn tin giấu tên nói.
Tên lửa JL có tầm xa kém hơn vì quân đội Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá nào trong phát triển tàu ngầm hạt nhân”, nguồn tin nói.
Trang tin Washington Free Beacon dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ đưa tin hôm 18/12 rằng chuyến phóng thử nghiệm của Trung Quốc diễn ra vào ngày 24/11 và được bắn đi từ một tàu ngầm thông thường.
Loạt tên lửa JL, hay Julang (nghĩa là “đại lãng”, tức sóng lớn, trong tiếng Trung Quốc) là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế cho các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.
Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng năng lực trên sẽ được tăng đáng kể khi JL-3 đạt tới tầm bắn tối đa.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất của Trung Quốc có tầm xa 12.000km và có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào trên đất liền Mỹ chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.
“Nếu có thể cải thiện năng lực tấn công của JL-3, Trung Quốc sẽ có quyền mặc cả lớn hơn trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao và quân sự”, ông Li nói.
Điều đó có thể xảy ra trong 4 năm tới, khi thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới được tung ra, chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong đánh giá.
Ông Song nói rằng khi những tàu ngầm đó được đưa vào sử dụng, tên lửa JL-3 sẽ đạt được tầm bắn tối đa.
“Nhưng Trung Quốc thực sự chỉ muốn thể hiện năng lực răn đe hạt nhân – đó là mục tiêu hạt nhân từ lâu của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ không chạy đua vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga bằng cách phát triển hàng ngàn đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân tốn kém”, ông Song nói. Ông Song là một nhà bình luận quân sự thường xuất hiện trên Truyền hình Phượng Hoàng.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không cạnh tranh với Mỹ và Nga về số lượng nhưng sẽ tập trung nâng cấp công nghệ để thu hẹp khoảng cách với hai đối thủ về tên lửa và tàu ngầm hạt nhân.
“JL-3 có thể vươn đến Mỹ, nhưng không phải bất cứ chỗ nào. Thực tế là Mỹ và Nga có công nghệ tiến bộ hơn nhiều trong các tên lửa và tàu ngầm hạt nhân của họ”, ông Zhou nói.
Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm hạt nhân, mỗi tàu được trang bị 16 tên lửa JL-2, nhưng các tàu ngầm Type 096 thế hệ tiếp theo sẽ có khả năng tiếp nhận 24 tên lửa JL-3, theo một báo cáo của Lầu Năm góc trình lên Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang có 18 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, với 14 tàu trong đó mang theo 24 tên lửa Trident. Nước này đang chế tạo tàu ngầm lớp Columbia thế hệ tiếp theo, có khả năng chở 16 tên lửa Trident II tiên tiến nhất.
Báo chí phương Tây ước tính Hải quân Nga có 10 tàu ngầm hạt nhân, với 3 tàu trong số đó là tàu lớp Borei thế hệ mới, mỗi tàu mang theo 16 tên lửa Bulava. Mátxcơva dự kiến hoàn thành chế tạo 5 tàu ngầm lớp Borei nâng cấp vào năm 2020, theo thông tin từ hãng đóng tàu Nga Russian United Shipbuilding.