Trung Quốc đang làm gì trên biển?

Trung Quốc đang làm gì trên biển?
Liên tiếp trong mấy ngày qua, báo chí Trung Quốc (Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu, China Daily) đăng khá nhiều bài viết vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, cũng như chỉ trích, lên án tuyên bố của Philippines bởi 2 quốc gia này đã dám nói lên sự thật: Trung Quốc đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện tham vọng “đường lưỡi bò”, cũng như độc bá Biển Đông.

> Trung Quốc triển khai tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông
> Philippines muốn Nhật Bản làm đối trọng với Trung Quốc

Điều đáng nói là trong khi đưa ra những bài viết kể trên, ngày 11/12, tờ Nhân dân Nhật báo lại có bài bình luận với nhan đề “Người bạn tin cậy và đối tác chân thành của các nước đang phát triển”.

Trong đó nói rằng: Trung Quốc tăng cường đoàn kết, hợp tác với các nước đang phát triển và mãi mãi là người bạn tin cậy, đối tác chân thành của họ. Nhưng thực tế đang chứng minh ngược lại.

Lớn tiếng và toan tính

Ngày 12/12, tờ China Daily đăng bài viết với tiêu đề “Tính toán sai lầm của Manila”, trong đó chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Albert de Rosario khi ông này ủng hộ Nhật Bản từ bỏ hiến pháp hòa bình để trở thành đối trọng với Trung Quốc. Đồng thời cho rằng, Philippines đã sai lầm khi có thể dựa vào Mỹ và Nhật Bản để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Trước đó (11/12), tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết có tựa đề “Việt Nam xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, lớn tiếng vu cáo Việt Nam “ăn cắp” tài nguyên của Trung Quốc với sự giúp sức của “nước thứ ba”.

Thậm chí còn cáo buộc Việt Nam và Philippines đã châm ngòi cho tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Bài báo kêu gọi Trung Quốc tiếp tục sử dụng những hành động quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

Nhằm hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc tiếp tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa khi quyết định đăng ký thương hiệu địa danh Tam Sa.

Theo báo mạng Nam Hải, lãnh đạo của cái gọi là “thành phố Tam Sa” vừa tuyên bố, sẽ đầu tư 6 triệu NDT (khoảng 960.000USD) để đẩy mạnh việc phát triển ngư nghiệp, du lịch, dầu khí tại “Tam Sa”.

Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đang ráo riết chuẩn bị việc đăng ký thương hiệu địa danh cho 275 đảo thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” với Tổng cục Công thương quốc gia Trung Quốc.

Được biết, cái gọi là “thành phố Tam Sa” sẽ đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu cảng, các thiết bị cung cấp điện nước... cũng như thành lập tòa án biển để xét xử các vụ án về thương mại biển và xung đột trên biển.

Tàu vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Ngày 12-12, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là lần thứ 16 tàu Trung Quốc đi vào cùng biển này kể từ khi Nhật Bản mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tháng 9).

Ngày 11-12, Nhật Bản đã gửi kháng nghị tới Trung Quốc về việc 2 tàu hải giám nước này bất chấp mọi cảnh báo đã tìm mọi cách xông vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã gọi điện trực tiếp tới Đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ kháng nghị và yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu hải giám khỏi vùng biển này.

Cảnh sát biển Nhật Bản cho hay, 2 tàu hải giám này không những dùng bảng điện tử với khẩu hiệu khẳng định cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà còn kêu gọi tàu Cảnh sát biển Nhật Bản “rời khỏi vùng biển chủ quyền của Trung Quốc” bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Ngày 10-12, đội tàu Hải quân Trung Quốc đã tuần tra tại vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và đây là lần thứ 2 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tuần tra tại vùng biển này kể từ tháng 10.

Trước đó (7/12), Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới để phản đối về vụ 4 tàu hải giám Trung Quốc liên tục xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Ngày 11/12, tàu Ngư chính 206 - lớn nhất Trung Quốc với trọng tải hơn 5.800 tấn đã được hạ thủy tại Thượng Hải, thuộc biên chế tổng đội Ngư chính Đông Hải và có nhiệm vụ “bảo vệ ngư trường, giữ gìn chủ quyền ở vùng biển Đông Hải Trung Quốc”.

Việc điều tàu Ngư chính lớn nhất và hiện đại nhất tuần tra ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường năng lực thực thi pháp luật ở ngoài biển cũng như quyết tâm của Bắc Kinh sau khi Nhật Bản mua lại 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cũng trong ngày 11/12, ông Khâu Diên Bằng, Phó tư lệnh Hạm đội Đông Hải, Chỉ huy biên đội tàu chiến tập luyện xa bờ hải quân Trung Quốc cho biết, kể từ nay trở đi Hải quân Trung Quốc sẽ thường xuyên tập luyện xa bờ. Được biết, từ 27/11 đến 11/12, 5 tàu chiến của Hạm đội Đông Hải đã tập luyện xa bờ và đây là lần tập luyện xa bờ lần thứ 7 trong năm nay của Hải quân Trung Quốc.

Quan ngại của Philippines và Malaysia

Theo tờ Daily Inquirer, trong 2 ngày 11 và 12/12, Mỹ và Philippines đã thảo luận về việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Philippines.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Basilio, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Ba Dinuo và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đồng chủ trì cuộc đối thoại này.

Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động ở khu vực Senkaku bất chấp mọi cảnh báo từ Cảnh sát biển Nhật Bản
Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động ở khu vực Senkaku bất chấp mọi cảnh báo từ Cảnh sát biển Nhật Bản.

Thứ trưởng ngoại giao Philippines Carlos Sorreta cho biết, cuộc gặp tập trung vào quốc phòng, đặc biệt là sự hiện diện luân phiên của binh lính Mỹ tại Philippines.

Tờ South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh, Bắc Kinh đang cố gắng bức chế Manila - yêu cầu phải làm thế này thế nọ và đây là điều không thể chấp nhận bởi không một quốc gia có chủ quyền nào muốn bị bức chế.

Ông Albert del Rosario hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra việc trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là lựa chọn tốt hơn là khoe gân cốt.

Bà Erlinda Basilio, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết, các đại biểu tham dự cuộc đối thoại 2 ngày kể trên đã thảo luận về những biện pháp củng cố năng lực của các lực lượng vũ trang Philippines thông qua huấn luyện, đào tạo và các hoạt động khác.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tuyên bố, quan hệ đồng minh Washington-Manila đang thực sự phục hưng bởi phát triển sâu rộng các mối quan hệ ở mọi cấp độ từ về chiến lược, chính trị tới kinh tế và quân sự.

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo về chuyện “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và những nước khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Marty Natalegawa cho rằng, cần có một khung pháp lý để khuyến khích các bên tăng cường đối thoại. Ngoại trưởng Marty Natalegawa cảnh báo tình trạng căng thẳng ở Biển Đông có thể dẫn đến hiểu lầm, dễ tạo ra các phản ứng đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng và vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài.

Do đó, hơn bao giờ hết, ASEAN và Trung Quốc cần thiết lập một nguyên tắc, một bộ quy tắc ứng xử có thể giải quyết vấn đề quyền lợi chung ở Biển Đông.

Hiệu trưởng Trường Chính trị xã hội thuộc Đại học Pelita Harapan (Indonesia) Aleksius Jemadu nhận định, thuyết phục Trung Quốc cam kết về một quy tắc ứng xử ở Biển Đông không phải là điều dễ dàng bởi Bắc Kinh đang muốn kiểm soát lợi ích chiến lược và giành chủ quyền ở phần lớn Biển Đông.

Những tiếng nói đáng quan tâm

Dư luận quan tâm tới nhận định của Tiến sĩ Hooman Peimani ở Viện Nghiên cứu năng lượng thuộc Đại học quốc gia Singapore viết trên tờ Bưu Điện Hoa Nam (Hongkong) ngày 11/12 khi cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn Mỹ tác động sâu vào cán cân quyền lực trong khu vực, cũng như không muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 10/12 tờ The Nation của Thái Lan dẫn nguồn tin tờ Philstar của Philippines đăng bài xã luận với nhan đề: “Chúng ta đang bên bờ vực của ngoại giao pháo hạm”, trong đó vạch rõ âm mưu của Trung Quốc qua những động thái mới đây trên Biển Đông, trong đó khẳng định việc giới chức tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát biển kiểm tra tàu thuyền nước ngoài khi đi qua Biển Đông là hành động thách thức cả thế giới.

Trước đó (7/12), Subhash Kapila, chuyên gia vấn đề quân sự của Tập đoàn phân tích Nam Á (SAAG) Ấn Độ có bài viết cho rằng, Trung Quốc đang có ý đồ bắt chước cách làm đối phó với Liên Xô cũ của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh - ép buộc, lôi kéo Nhật Bản vào một cuộc chạy đua vũ trang nhằm làm suy yếu nước này về kinh tế, từ đó khiến Tokyo mất đi vị thế đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thông qua chạy đua vũ trang làm sụp đổ Nhật Bản sẽ gây tranh cãi rất lớn về kinh tế, chính trị, chiến lược và không dễ dàng thực hiện được mục đích này. Bởi Nhật Bản giành được sự ủng hộ của Mỹ, EU, NATO và một số nước khác trong khu vực.

Trung Quốc không muốn thực hiện UNCLOS

Ngày 10/12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các quốc gia thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bởi UNCLOS được coi là “Hiến pháp của đại dương”.

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra mắt UNCLOS, ông Ban Ki-moon cho biết, UNCLOS sắp đạt được mục tiêu phổ quát toàn cầu mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đặt ra, khi 163 nước và Liên minh châu Âu đặt bút ký. UNCLOS quy định mọi khía cạnh liên quan tới biển và đại dương, bao gồm cách phân định biên giới trên biển, quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế trên biển.

Phó chủ tịch Đại hội đồng Rodney Charles cũng cho rằng, UNCLOS đã trở thành nhân tố quan trọng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế bởi thiếu vắng một khung pháp lý toàn cầu sẽ dẫn tới đe dọa xảy ra xung đột trên biển cũng như việc khai thác hỗn loạn và không được quản lý các nguồn tài nguyên biển.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển quốc tế, ông Masimichi Morooka ca ngợi UNCLOS “có tầm quan trọng sống còn” bởi vận tải biển quốc tế chiếm tới 90% thương mại thế giới.

Cách đây 30 năm (10/12/1982), UNCLOS được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam ký tại Jamaica, đánh dấu thành công của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Luật Biển lần thứ 3, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ.

Kể từ khi có hiệu lực (16/11/1994), UNCLOS đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên (tính đến thời điểm hiện nay).

Với 320 điều khoản và 9 Phụ lục, UNCLOS được coi là “Hiến pháp của đại dương”, không chỉ bao gồm các điều khoản kế thừa từ các điều ước quốc tế trước đó về biển mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như những xu hướng phát triển mới trong thực tiễn sử dụng và khai thác biển và đại dương.

Nhưng cách đây mấy ngày (11/12), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ở Hongkong đã có bài viết chỉ trích việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho phép cảnh sát biển chặn, kiểm tàu nước ngoài hoạt động ở Biển Đông là phi lý và vô nghĩa. Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông của Đại học New South Wales ở Australia cho rằng, trong 26 cuộc hội thảo mà ông tham dự trong vòng 2 năm qua, những chất vấn đối với các học giả Trung Quốc về ý nghĩa của “đường lưỡi bò” không mang lại câu trả lời rõ ràng nào và không một ai ở Trung Quốc biết đến ý nghĩa của đường này bởi nó hoàn toàn phi lý.

Ngày 12/12, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về Hợp tác Biển Đông - lịch sử và triển vọng. Đa số các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu đều cảnh báo rằng, các nước ASEAN cần có tiếng nói chung và hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết trước tình trạng Trung Quốc liên tục, xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam và các nước khu vực Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận định: Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa cũng như kiểm soát quyền lực của mình từ những tranh chấp Biển Đông nhằm khống chế các quốc gia ven biển, buộc họ phải lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG