Trung Quốc có máy bay mới để củng cố hiện diện ở biển Đông

Máy bay không người lái AT 200 bay thử nghiệm ở Thiểm Tây hôm thứ Năm. Ảnh: Xinhua.
Máy bay không người lái AT 200 bay thử nghiệm ở Thiểm Tây hôm thứ Năm. Ảnh: Xinhua.
TP - Trung Quốc vừa thử nghiệm loại máy bay vận tải không người lái có thể chuyển hàng nhanh chóng ra các đảo nhỏ trên biển Đông mà không cần sân bay. Đây được cho là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm bảo vệ sự hiện diện trái phép của họ ở khu vực tranh chấp.

Máy bay không người lái được chế tạo từ máy bay cánh liền chi phí thấp có thể chở 1,5 tấn hàng và chỉ cần đường băng dài 200m, Viện Kỹ thuật nhiệt học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, đơn vị chủ trì dự án, cho biết. Loại máy bay này có thể sử dụng đường băng không đạt chuẩn hoặc bãi cỏ hoặc hạ cánh xuống các cơ sở quân sự không có phi trường, Viện Kỹ thuật nhiệt học thông báo trên trang web của họ.

Viện này nói rằng, mẫu máy bay AT200 đã có chuyến bay thử nghiệm ở tỉnh Thiểm Tây. “Máy bay không người lái này có khả năng đáng ngạc nhiên trong vận tải quân sự… Và nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm cung cấp vật tư quân sự cho các đảo và đá trên biển Đông”, đơn vị thực hiện dự án khẳng định.

Được trang bị động cơ tua-bin PT6A do hãng Pratt & Whitney Canada sản xuất với 750 mã lực, mẫu máy bay này có tầm xa lên đến 2.000km. Từ TP Tam Á thuộc đảo Hải Nam, máy bay này có thể bay đến quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc chiếm đóng trái phép) chỉ trong 1 giờ, bay đến bãi cạn Scarborough trong 3 giờ, đến quần đảo Trường Sa trong 4 giờ và bãi cạn James nằm xa nhất về phía nam trong 5 giờ.

Những năm gần đây, Trung Quốc xây dựng và lắp đặt trái phép nhiều trạm radar, hệ thống phóng tên lửa, hầm chứa máy bay quân sự và các cảng biển nước sâu phục vụ tàu hải quân trên biển Đông. Nhưng những cơ sở quân sự này vẫn phụ thuộc vào tiếp tế từ bên ngoài về nhiên liệu, thực phẩm, thuốc và các nhu yếu phẩm khác do tàu vận chuyển. Phải mất nhiều tuần để hàng tiếp tế đến được những cơ sở mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép này nếu gặp thời tiết xấu.

Máy bay AT200 có khoang chứa rộng 10m 3 đủ chỗ cho 1,5 tấn hàng hóa. Loại trực thăng không người lái K-Max của Mỹ có thể chở 2-3 tấn hàng hóa, theo thông tin từ Lockheed Martin, một trong những công ty chế tạo mẫu máy bay này.

“Đối với những đảo không có chỗ cho máy bay cất và hạ cánh, nhóm nghiên cứu sẽ bổ sung chức năng thả hàng từ trên không cho những mẫu máy bay sắp tới”, Viện Kỹ thuật nhiệt học cho biết. Viện này từng thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và chế tạo thiết bị cho quân đội Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang xin cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cấp chứng chỉ bay “càng sớm càng tốt”.

Nơi thử nghiệm lý tưởng

Ông Yang Chao, một kỹ sư về máy bay tại Trường Khoa học và kỹ thuật hàng không thuộc Đại học Hàng không và vũ trụ Bắc Kinh, cho biết, từ những năm 1950, Trung Quốc đã tìm cách chuyển bay máy có người lái sang máy bay không người lái. Máy bay không người lái có thể đi làm nhiệm vụ mà không cần con người hỗ trợ, thậm chí có thể ra quyết định trên không nếu mất tín hiệu với trạm mặt đất. Ông Yang (người không liên quan đến dự án) nói rằng, biển Đông sẽ là nơi thử nghiệm lý tưởng để máy bay chở hàng không người lái hoạt động, trong hoàn cảnh không có kiểm soát không lưu ở các đảo, đá xa xôi vì ít rủi ro xảy ra sự cố kỹ thuật hay va chạm hơn.

“Các cơ quan quản lý không lưu sẽ thoải mái hơn trong việc cấp phép để máy bay không người lái hoạt động thường xuyên trên biển Đông hơn là những khu vực khác”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Yang.

Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% biển Đông, bất chấp Tòa trọng tài quốc tế đã gạt bỏ đòi hỏi này trong phán quyết đưa ra năm ngoái. Bắc Kinh vẫn phớt lờ và tiếp tục các kế hoạch của mình nhằm từng bước kiểm soát vùng biển quan trọng này. Dự án máy bay chở hàng không người lái là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố sự hiện diện của họ ở khu vực. Nước này còn đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi để cung cấp điện cho các cơ sở quân sự và dân sự, nơi hệ thống vũ khí, quân sự như radar không thể chạy liên tục vì thiếu điện.

Bắc Kinh gần đây thành lập một phi đội cứu hộ trên biển thuộc Hạm đội Nam Hải, một bước đi được coi là nỗ lực nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã sử dụng những tàu nạo vét lớn nhất và tiên tiến nhất để tạo nên và mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở khu vực này.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG