Tàu chiến gặp nạn, Mỹ gồng mình trên biển Đông

Tàu USS John S. McCain bị móp sau vụ đâm va tàu chở dầu hôm 21/8. Ảnh: CBC.
Tàu USS John S. McCain bị móp sau vụ đâm va tàu chở dầu hôm 21/8. Ảnh: CBC.
TP - Khi tàu khu trục gặp nạn hồi tháng 6 chưa sửa xong thì lại thêm một tàu khu trục nữa của Hải quân Mỹ hôm qua bị đâm va trên vùng biển gần Singapore. Những phương tiện quân sự chủ chốt liên tục gặp sự cố có thể khiến Mỹ phải gồng mình ứng phó trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và biển Đông tiếp diễn, giới quan sát nhận định.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ hôm qua va chạm với một tàu chở dầu trên vùng biển gần Singapore. Đây là vụ tai nạn thứ hai liên quan tàu của Hải quân Mỹ ở châu Á trong vòng 2 tháng. Trước đó, tàu USS Fitzgerald va chạm với tàu chở hàng mang cờ Philippines ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản hồi tháng 6 năm nay, khiến 7 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Trong vụ tai nạn hôm qua, lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 10 thủy thủ mất tích. Những thủy thủ bị thương đã được chuyển đến Singapore. Không người nào trên tàu chở dầu bị thương trong vụ va chạm.

Tàu khu trục được đặt tên theo cha và ông nội của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain - ông John S. McCain, Jr và John S. McCain, Sr (hai đô đốc có công lớn trên mặt trận Thái Bình Dương thời Thế chiến 2). Đây là cặp bố con đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ đều được phong hàm đô đốc.

Mới được phẫu thuật u não gần đây, Thượng nghị sĩ John McCain ngày 21/8 viết trên Twitter rằng, ông và vợ ông “cầu nguyện cho các thủy thủ trên tàu USS John S. McCain suốt đêm nay, đánh giá cao công việc của lực lượng tìm kiếm và cứu hộ”.

Tàu USS John S. McCain gặp nạn trong lúc tàu USS Fitzgerald vẫn đang được sửa chữa sau vụ tai nạn hồi tháng 6 làm dấy lên lo ngại Hải quân Mỹ khó bảo đảm hoạt động tuần tra trong khu vực. Cả hai tàu này đều thuộc hạm đội tàu khu trục DESRON 15 đóng tại Nhật Bản.

Nếu không tính USS Fitzgerald, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ có 6 tàu được giao nhiệm vụ tuần tra phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tàu USS McCain đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản. Căn cứ nằm phía nam thủ đô Tokyo cũng là nơi đậu của tàu sân bay hạt nhân Mỹ Ronald Reagan.

Kể từ chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam, Yokosuka vẫn là căn cứ hải quân quan trọng nhất của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Tại bất kỳ thời điểm nào, nơi đây vẫn có khoảng 5.070 tàu nổi và tàu ngầm, 140 máy bay chiến đấu và khoảng 20.000 thủy thủ thuộc Hạm đội 7.

Các tàu thuộc Hạm đội 7 thực hiện hơn 500 chuyến thăm cảng đến 25 quốc gia mỗi năm. Ngày 7/4 năm nay, tàu USS John S. McCain và tàu USNS Safeguard cùng gần 400 sĩ quan, thủy thủ cập cảng Tiên Sa, thăm thành phố Đà Nẵng.

Tai nạn liên tục

Hải quân Mỹ hứng chịu nhiều tổn thất ở Thái Bình Dương trong năm nay. Ngày 9/5, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain bị một tàu đánh cá nhỏ đâm vào trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.

Cuối tháng 1, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam bị mắc cạn khi đang cố neo tại vịnh Tokyo. Sau đó xảy ra vụ tàu USS Fitzgerald va chạm với tàu chở hàng mang cờ Philippines ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản vào tháng 6. Tất cả 3 tàu chiến nói trên và USS McCain đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.

Ông Bryan McGrath, một tư lệnh Mỹ đã nghỉ hưu sau khi chỉ huy tàu khu trục USS Bulkeley, nói rằng, rất khó đánh giá những vụ tai nạn nói trên chỉ là ngẫu nhiên hay nói lên vấn đề gì sâu xa hơn. “Chúng tôi vẫn chưa biết. Nhưng tôi tin rằng Hải quân sẽ nắm được vấn đề”, ông McGrath nói với báo Nhật Bản Japan Times.

Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), cho rằng, vụ tai nạn hôm qua là “khác thường” và chắc chắn sẽ khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi đối với Hải quân Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông Graham cho rằng, vụ việc có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hành động của Hạm đội 7.

“Họ đã phải căng mình sau vụ va chạm của tàu Fitzgerald, và nay họ hỏng thêm một tàu khu trục tuyến đầu nữa ở khu vực vào thời điểm căng thẳng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên và biển Đông”, ông Graham nói.

Tàu McCain dài 154m thực hiện một chuyến tuần tra khẳng định tự do hàng hải trên biển Đông vào đầu tháng này. Báo quân sự Mỹ Star and Stripes dẫn lời một quan chức giấu tên của Hải quân Mỹ nói rằng, con tàu đã đi sát một đảo nhân tạo “để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu khắp vùng biển quốc tế”.

Đây là lần thứ ba trong năm một tàu chiến Mỹ đi vào trong vùng 12 hải lý của một cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép để thể hiện rằng, Washington không thừa nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với những cấu trúc này.

Khi được hỏi Hải quân Mỹ có cần đưa thêm tàu Mỹ đến châu Á- Thái Bình Dương để duy trì sức mạnh, người phát ngôn Hạm đội 7 nói “vẫn còn quá sớm để biết điều đó”, Reuters đưa tin.

USS John S. McCain được đóng năm 1991 và được đưa vào biên chế năm 1994. Thủy thủ đoàn gồm 23 sĩ quan, 24 thượng sĩ và 291 thủy thủ. Đây là tàu khu trục lớp Arleigh Burke, với bộ phận chủ chốt là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Hệ thống Aegis được đánh giá là có thể đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. USS John S. McCain có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các nhóm tàu sân bay tấn công, nhóm hành động trên mặt biển, nhóm tấn công đổ bộ hoặc nhóm bổ sung.

MỚI - NÓNG