Trung Quốc sẽ phải tính toán lại trên biển Đông

TS Kentaro Nishimoto tại cuộc gặp với một số phóng viên tại Hà Nội ngày 11/9​. Ảnh: V.A.
TS Kentaro Nishimoto tại cuộc gặp với một số phóng viên tại Hà Nội ngày 11/9​. Ảnh: V.A.
TP - Dù liên tục bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Manila kiện Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ phải tính toán lại vấn đề biển Đông vì quyết định của tòa đang ảnh hưởng đến nước này theo một số cách khác nhau.

Ông Kentaro Nishimoto, Phó giáo sư ngành luật quốc tế tại ĐH Tohoku, Nhật Bản, nhận định như vậy ngày 11/9 tại Hà Nội khi trao đổi với phóng viên nhân dịp Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật Biển trong việc duy trì trật tự trên biển” diễn ra hôm nay (12/9).

TS Nishimoto nói phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 khẳng định rất rõ ràng rằng, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết, gây ra tình thế khó khăn trên biển Đông.

Dù vậy, phán quyết đang thay đổi động lực các mối quan hệ trên biển Đông và sẽ có tác động cụ thể trong dài hạn. “Vì sao Trung Quốc liên tục nói họ không chịu ràng buộc của phán quyết nếu thực sự phán quyết đó không có ý nghĩa gì với họ? Tôi nghĩ họ đang tính toán xem liệu họ có thể làm gì khác ngoài việc phớt lờ phán quyết dựa trên những tính toán về chính trị và sức mạnh mà họ có ở khu vực”, TS Nishimoto nói.

Chính phủ Philippines hiện nay có vẻ không dùng mấy đến phán quyết rất có lợi cho họ, nhưng TS Nishimoto cho rằng, phán quyết đã làm thay đổi quan hệ Trung Quốc - Philippines so với thời gian trước khi Tòa trọng tài đưa ra quyết định. Ngay cả khi Philippines quyết định gác phán quyết sang một bên và đàm phán một thỏa thuận song phương nào đó với Trung Quốc thì Manila vẫn có thể dùng phán quyết như một công cụ mặc cả những điều Bắc Kinh không muốn. Quan hệ Trung Quốc - Philippines có vẻ đang thay đổi về tổng thể. Việc hai nước này gác phán quyết sang một bên để thỏa thuận điều gì đó là không đúng theo luật quốc tế nhưng có thể là điều hai nước đang làm. Philippines có thể đạt được điều gì đó từ việc này, và đây là cách luật quốc tế tác động lên Trung Quốc, TS Nishimoto nói.

Trung Quốc sẽ phải tính toán lại trên biển Đông ảnh 1 Trung Quốc ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe.

Cần tiếp tục thuyết phục

TS Nishimoto cho rằng, Việt Nam có thể dựa vào những điều đã được tuyên bố trong phán quyết để xác định các quy tắc được áp dụng trên biển Đông như thế nào. Theo ông, Việt Nam có thể dựa vào phán quyết để thuyết phục Trung Quốc hành động theo luật quốc tế.

Trước thực tế Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục các kế hoạch quân sự của họ trên biển Đông và dường như các nước trong khu vực không có cách nào để thuyết phục Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông, TS Nishimoto nói không nên kỳ vọng rằng luật quốc tế có thể thay đổi cân bằng quyền lực hay vị trí mà Trung Quốc có, cũng như không thể hoàn toàn đảo ngược tình hình. Nhưng mức tối thiểu mà chúng ta mong muốn ở khu vực là một trật tự dựa trên pháp quyền, chứ không phải dựa trên sức mạnh. TS Nishimoto cho rằng, các nước vẫn cần tiếp tục thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, pháp quyền trên biển.

“Tôi cho rằng Trung Quốc không phải đang vứt bỏ luật pháp quốc tế mà thực tế là họ vẫn đang sử dụng nó, cố gắng biện hộ sự chối bỏ của mình dựa trên các điều khoản của UNCLOS 1982. Vì thế, chúng ta cần thuyết phục Trung Quốc rằng, việc tuân thủ luật quốc tế mang lại lợi ích cho họ”, TS Nishimoto nói. Học giả này cho rằng, Nhật Bản có thể đóng vai trò thúc đẩy đối thoại giữa Trung Quốc với các nước khu vực để trong tương lai lâu dài có thể giải quyết tình thế khó khăn trên biển Đông hiện nay. 

Về khả năng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không thành công trong cuộc tổng tuyển cử tới có thể ảnh hưởng vai trò của Nhật Bản trong khu vực, TS Nishimoto cho rằng, quan điểm của Nhật Bản từ trước khi có chính phủ hiện nay vẫn là tôn trọng pháp quyền trên biển. Quan điểm chung này chắc chắn sẽ được duy trì cho dù chính trị Nhật Bản thay đổi như thế nào.

Vị học giả Nhật Bản cho rằng, chương trình hoạt động khẳng định tự do hàng hải ở biển Đông có ý nghĩa quan trọng nhằm bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền trái với luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực nói riêng và trên các đại dương nói chung. Vì thế, việc Mỹ tiếp tục thực hiện chương trình tự do hàng hải ở khu vực cũng sẽ có tác động thuyết phục Trung Quốc tôn trọng pháp quyền trên biển, ông nói.

MỚI - NÓNG