Sau nhiều năm vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu liên tục rơi vào tình trạng bế tắc, Washington sốt ruột muốn tìm một cơ chế tự do ngoài khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thúc đẩy việc tái định hình các quy tắc thương mại toàn cầu. Đó chính là lý do Mỹ đã khởi động hai cuộc đàm phán về tự do thương mại theo từng khu vực gồm TPP và Hiệp định Đối tác và Đầu tư thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu.
Sau khi công bố chính sách xoay trục ngoại giao sang châu Á - Thái Bình Dương, TPP càng trở thành một mục tiêu rõ ràng hơn trong chiến lược ngoại giao của người đứng đầu Nhà Trắng. Trung Quốc cũng không nằm ngoài phạm vi vận động của Mỹ.
Việc Trung Quốc tham gia sẽ giúp cho TPP có một bước nhảy vọt về quy mô mở rộng thị trường và năng lực sản xuất. Có thể nói, Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho TPP. Đổi lại, Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ định chế này với một thị trường tiêu thụ lớn và thông thoáng.
Tuy nhiên, chính Washington cũng biết rằng cơ hội cường quốc châu Á này tham gia một định chế thương mại do Mỹ khởi xướng là không cao vì Trung Quốc khó mà chấp nhận một sân chơi chỉ áp dụng những luật chơi kiểu Mỹ thường xung đột với mô hình phát triển của Trung Quốc. Thậm chí, nhiều nhà phân tích còn cho rằng Mỹ triển khai TPP là nhằm tạo một vòng vây “quyền lực mềm” xung quanh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những yêu cầu về sửa đổi thuế quan, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, cơ chế, chính sách theo kiểu Mỹ khiến Bắc Kinh lo ngại sẽ phá vỡ mô hình phát triển kinh tế mà nước này theo đuổi từ trước đến nay. Những nghi ngờ này đủ để Trung Quốc từ chối lời mời của Mỹ và thậm chí còn hỗ trợ những định chế tự do thương mại khác để làm đối trọng với TPP.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc cân nhắc khả năng tham gia TPP đã được đánh giá là sự chuyển hướng bất ngờ. Phải chăng trong bối cảnh, Washington rất kiên quyết đối với các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông cũng như đang khá thành công trong việc tập hợp các đồng minh châu Á cùng phản đối Bắc Kinh, một lần nữa Trung Quốc lại sử dụng vấn đề kinh tế để mặc cả với Mỹ.