Trang Military dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar đã ký “thỏa thuận đối thoại về tăng cường hợp tác phát triển động cơ máy bay chiến đấu, thiết kế và đóng tàu sân bay”.
Thỏa thuận này bao gồm việc Chuẩn đô đốc Tom Moore, nhà thiết kế tàu sân bay hàng đầu của hải quân Mỹ, sẽ đến Ấn Độ để thảo luận với chính quyền New Delhi về kế hoạch đóng một hạm đội 5 tàu sân bay.
“Hai nước Ấn-Mỹ đang phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó, Ấn Độ tỏ ra quan tâm đến công nghệ đóng tàu sân bay của Mỹ”, Ông Moore cho biết.
“Do đó, tôi sẽ tới Mỹ để cùng làm việc với Hải quân Ấn Độ về công nghệ tàu sân bay. Phía Mỹ sẽ hỗ trợ hải quân Ấn Độ tự đóng tàu sân bay riêng”, Chuẩn đô đốc Tom Moore phát biểu.
Theo Military, tại Ấn Độ, chuẩn đô đốc Mỹ Moore sẽ thảo luận với các quan chức quốc phòng New Delhi về thiết kế tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân Vishal 65.000 tấn.
Hiện Ấn Độ rất muốn đóng tàu sây bay mới để thay thế 2 tàu sân bay đã cũ. Tàu INS Viraat sẽ "nghỉ hưu" vào năm 2016, đến lúc đó, Hải quân Ấn Độ sẽ chỉ còn lại tàu sân bay duy nhất là INS Vikramaditya.Đây là một chiếc tàu cũ của Liên Xô được Ấn Độ sửa chữa lại.
Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant lẽ ra sẽ ra mắt vào ngày 28-5, nhưng sự kiện này bị hoãn lại vô thời hạn. Tàu INS Vikrant được thiết kế để chở máy bay chiến đấu MiG-29K do Nga sản xuất.
Hồi tháng 1, trong chuyến thăm hâm nóng quan hệ với Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Modi đã nhất trí về hướng dẫn nhằm thành lập “một nhóm làm việc để chuyển giao công nghệ tàu sân bay cho New Delhi”.
Kế hoạch đóng tàu sân bay của Ấn Độ đang được Trung Quốc theo dõi sát sao. Hiện Bắc Kinh mới chỉ có một tàu sân bay duy nhất là chiếc Liêu Ninh mua lại từ Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đã có kế hoạch sản xuất một hạm đội 3 tàu sân bay.
Hồi tháng 1 năm nay, khi Ấn Độ bắt đầu nhận được cái gật đầu từ phía Mỹ trước lời đề nghị trợ giúp đóng tàu sân bay, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc khẳng định “càng sớm phát triển năng lực tàu sân bay, thì càng dễ giành lợi thế chiến lược ở khu vực”. Báo này lúc đó cũng thừa nhận trong lĩnh vực tàu sân bay, Ấn Độ đang đi trước Trung Quốc.