Trứng lạ mùa Phục sinh

Chờ nhặt trứng Phục sinh ở công viên tại Brussels
Chờ nhặt trứng Phục sinh ở công viên tại Brussels
TP - Đức Giáo Hoàng Francis đã cử hành thánh Lễ Lá -  rước Chúa vào thành ngày 13/4 tại quảng trường Thánh Pietro (Vatican), mấy người bạn theo đạo ở Hà Lan vừa vào nhà thờ hát ca tụng Chúa. Những mùa Phục sinh của người ngoại đạo như tôi thật êm đềm, vẫn đi mua trứng sôcôla về cho các con tìm nhặt vào sáng chủ nhật- ngày Phục sinh, cho đến khi chính mình nhặt được trứng lạ.

“Lạ lắm chị ạ, hai năm rồi ai đó cứ bỏ trứng Phục sinh vào hòm thư nhà em. Nhặt được trứng mùa lễ này chẳng bất ngờ, nhưng lạ ở chỗ có những quả trứng sôcôla để trần không gói bọc nằm lăn lóc dưới đáy hòm thư dính đầy bụi bẩn. Nếu là công ty sản xuất sôcôla nào đó chắc chắn phải để lại địa chỉ quảng bá thương hiệu rồi”, tôi kể với người bạn gái theo đạo ở Hà Lan.

Chị vội can “Mình nhận tấm lòng của họ thôi chứ đừng ăn, nhỡ trứng có độc thì sao. Em hỏi hàng xóm chưa, có nhận được trứng thế không?”, “Hòm thư nhà họ bằng sắt kín bưng, muốn nhét trứng cũng không được. Hòm thư nhà em là một thân cây to khoét lỗ trống hoác và lợp ngói như ngôi nhà nhỏ, cho nồi luộc trứng vào cũng được chứ nói gì nhét trứng”.

Chị bạn lẩm bẩm “Có thể người mừng lễ Phục sinh nào đó có thói quen mua cả bọc trứng về rồi tháo ra chia cho mỗi nhà vài quả. Người ta thường tặng trứng như biểu tượng của sự đổi mới, tái sinh. Nhưng đã có thiện ý như vậy phải gói bọc đàng hoàng chứ nhỉ”.

Chịu, không biết trứng ấy ai cho. Tôi vẫn nhặt đem vào nhà, trân trọng đặt lên bàn, để ngắm chứ không ăn.

Kể chuyện này cho bạn ở thành phố khác nghe, cô sinh sống ở Bỉ lâu hơn tôi nhưng chưa bao giờ nhặt được trứng kiểu này “Từ hồi sang đây định cư chỉ thấy người ta nhét thiệp báo tang vào hòm thư chứ làm gì có trứng”. Người phương Tây kể cũng lạ, đám cưới thì kín đáo riêng tư chẳng báo ai, nhưng hễ nhà có tang là in thiệp nhét hòm thư khắp hang cùng ngõ hẻm.

Người lớn nhặt được trứng thấy lạ, còn lũ trẻ ở châu Âu tuổi mẫu giáo đã học bài vỡ lòng về quả trứng nở ra gà con. Đơn giản thế đã, trước khi đủ lớn để hiểu rõ hơn việc đập vỏ trứng biểu tượng cho sự phục sinh của Chúa. Người Việt cúng người chết bát cơm quả trứng, hẳn có sự tương đồng nào đó về quan niệm tái sinh chăng.

Trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, bọn trẻ học xong bài này thì ra sân trường tìm trứng, về nhà bố mẹ cũng phải mua trứng cho chúng tìm kiếm trong vườn đúng sáng ngày Phục sinh. Nhà trường chuẩn bị sẵn cho mỗi bé một cái giỏ hình con thỏ ôm ổ rơm mềm mại trong lòng để đựng trứng rồi, bố mẹ muốn lờ đi cũng không được. Phải mua trứng để nhặt, không có mới là lạ. Trứng kiểu gì cũng được, trứng sôcôla bọc giấy bạc bóc ra ăn ngay, trứng nhựa giấu đồ chơi bên trong, và một người bạn kinh doanh nhà hàng chìa cho tôi túi giấy đựng những quả trứng thật đã luộc chín, vẽ đủ màu trên vỏ “Đây, 40 cent một quả, món ăn mùa lễ Phục sinh người ta mang đến chào hàng”.

Năm nay cả nước Bỉ sản xuất khoảng 400 triệu quả trứng sôcôla cho mùa Phục sinh. Các hãng sản xuất sôcôla muốn quảng bá thương hiệu còn tổ chức buổi nhặt trứng Phục sinh tập thể cho trẻ em, miễn phí. Tôi đưa các con tham gia một lần ở Brussels.

Người ta rải trứng trên bãi cỏ công viên rồi chăng dây phân loại từng khu vực để đảm bảo công bằng: cho trẻ từ 2- 4 tuổi, 5- 7 tuổi... Năm ấy không may dây đứt trước khi thổi còi, phụ huynh cũng ào vào nhặt, hỗn độn chẳng khác người Việt ăn tiệc tự chọn. Có phụ huynh phải vòng tay che chắn những đứa trẻ khác cho con mình nhặt được vài quả, ân hận mãi “Tệ quá, tranh với trẻ con. Nhưng không làm thế bọn lớn nhặt hết, con mình cầm giỏ đứng trơ ra tội lắm”. Năm nay cô bạn lại rủ đi nhặt trứng kiểu này. Tôi từ chối, sợ lại đứt dây.

Trở lại câu hỏi có ai nhặt được trứng lạ trong hòm thư mùa Phục sinh không, và biết ai cho không? Chưa có câu trả lời. Nhưng cứ vào mùa Phục sinh, theo thói quen tôi lại nhòm hòm thư chờ trứng lạ. Dẫu sao cũng cảm ơn ai đó tặng trứng (mà không chịu gói bọc) đồng nghĩa đem lại cho người lớn niềm vui của trẻ nhỏ.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.