Trong đại dịch, văn hóa - xã hội và con người là vấn đề rất thiêng liêng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, khi nói đến TPHCM, nhìn lại cội nguồn, chúng ta nhớ rõ về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam bộ kháng chiến… Đặc biệt, trong hai năm TPHCM phòng chống đại dịch COVID-19, văn hóa - xã hội và con người là vấn đề rất thiêng liêng.

Sáng 16/10, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 - Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương trong lĩnh vực VH-XH và con người đã làm việc với Thành ủy TPHCM. Tham gia đoàn công tác T.Ư có: Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng phía sau những con số, kết quả mà TPHCM đạt được trong lĩnh vực VH-XH, con người là cả một quá trình chuyển động mạnh mẽ về nhận thức, tư duy, sáng tạo đi đầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như quá trình đổi mới về quan điểm, lý luận, tư tưởng của Đảng.

Phó Thủ tướng cho biết, với bối cảnh, điều kiện khác biệt về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thành phố cũng là nơi thử nghiệm những cơ chế, chính sách đột phá để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn phát triển.

Trong đại dịch, văn hóa - xã hội và con người là vấn đề rất thiêng liêng ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi tại buổi khảo sát. Ảnh: Ngô Tùng.

Đánh giá TPHCM luôn là điểm đến và đi đầu trong triển khai các chính sách về kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thành phố cần chú trọng tổng kết các nội dung về chính sách xã hội trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh có nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mặt trái của kinh tế thị trường, những bất cập về cơ sở hạ tầng…

Phát triển VH-XH đồng bộ với phát triển kinh tế

Làm rõ những vấn đề có liên quan, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận VH-XH là vấn đề có ý nghĩa riêng, là vấn đề rộng, lớn, đa dạng, phong phú, đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, thấu đáo hơn.

Theo ông Nên, từ năm 1982 đến nay đã có 4 nghị quyết về phát triển thành phố. Và đến giờ này, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, nhà phê bình văn học nghệ thuật đã viết rất nhiều về TPHCM. Do đó, ngoài việc tổng kết, cần tìm giải pháp nghiên cứu thêm để phát triển hệ giá trị suốt chặng đường Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã thực hiện 40 năm qua.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn nhận thức sâu sắc vai trò và vị trí, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển VH-XH và con người thành phố, với mục tiêu phát triển VH-XH đồng bộ với phát triển kinh tế; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”, Bí thư Thành uỷ TPHCM nêu rõ.

Trong đại dịch, văn hóa - xã hội và con người là vấn đề rất thiêng liêng ảnh 2

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển VH-XH và con người TPHCM thời gian tới, ông Nên cho rằng cần xây dựng văn hóa - con người thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế, giữ được cốt cách, bản sắc vốn có từ thời cha ông đi mở cõi ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TPHCM.

“Vấn đề đặt ra là phải đổi mới tư duy quản lý văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời không ngừng hoàn thiện các chính sách cho phù hợp. Thành phố đang ra sức tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, xem đây là điều cốt lõi để hình thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng, nhân ái để mọi người tự hào là người dân thành phố”, ông Nên nhấn mạnh.

Vấn đề rất thiêng liêng

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định các báo cáo cũng như trao đổi đã làm rõ thêm một bước sự phát triển về nhận thức của Đảng bộ TPHCM liên quan đến việc phát triển VH-XH và xây dựng con người Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong 10 năm gần đây.

Theo ông Nghĩa, khi nói đến TPHCM, nhìn lại cội nguồn, chúng ta nhớ rõ về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam bộ kháng chiến… Đặc biệt, trong hai năm TPHCM phòng chống đại dịch COVID-19, VH-XH và con người là vấn đề rất thiêng liêng.

“Các ý kiến đã góp phần làm rõ thêm nhận thức của Đảng bộ thành phố về lĩnh vực văn hóa, trong đó có bàn về văn học nghệ thuật, về thể thao, văn hóa truyền thống, giáo dục - đào tạo và nguồn lực con người. Ngoài ra, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân cũng đặt ra ở bước đầu”, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nói.

Trong đại dịch, văn hóa - xã hội và con người là vấn đề rất thiêng liêng ảnh 3

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận buổi làm việc.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, TPHCM đã mạnh dạn đề xuất một số quan điểm đổi mới, có định hướng giải pháp, kiến nghị những quốc sách và các vấn đề phát triển VH-XH và con người Việt Nam. Ông nhìn nhận, rõ ràng dù còn khó khăn, chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với các nghị quyết dành cho thành phố.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị đoàn khảo sát và TPHCM tiếp tục nghiên cứu sâu để không ngừng đổi mới tư duy, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực VH-XH và con người trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

“Chúng ta cùng nhau suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất, hiến kế những giải pháp mang tính đột phá về VH-XH và con người Việt Nam nói chung, con người TPHCM nói riêng”, ông Nghĩa nói thêm.

MỚI - NÓNG