Trồng rau trong nhà kính để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm |
Theo UBND huyện Đức Trọng, 20 năm qua đã có 85.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế; từ đó trên 20.500 hộ thoát nghèo và cận nghèo.
Hơn 5.000 người được giải quyết việc làm; 22.300 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ trang trải chi phí học tập; hơn 14.500 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; hàng trăm hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà cửa tạm bợ được hỗ trợ xây nhà mới.
Bên cạnh đó, 222 hộ được hỗ trợ với tổng số tiền 2 tỷ đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 67 năm 2018 của HĐND tỉnh Lâm Đồng; 145 hộ được hỗ trợ kinh phí trên 1 tỷ từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ để tăng đầu tư cho vườn hộ, chuồng trại.
Ngành chức năng đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho hơn 400 hộ dân và 2 tập thể với diện tích mỗi năm hơn 8.000 ha, vừa để ngăn ngừa tình trạng phá rừng vừa giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Huyện Đức Trọng còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình như xây dựng nhà kính và hệ thống tưới phun tự động để sản xuất rau, hoa, trồng gừng trong bao xi măng, trồng khoai môn trên đất lúa một vụ, chăn nuôi bò sữa, gà lai …
Các ban ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn và công tác nghiên cứu để người dân nắm bắt kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm chi phí đầu tư để tăng thu nhập.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, huyện Đức Trọng đã hỗ trợ nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống mức dưới 0,5%.