Đạ Tẻh có diện tích dưa hấu lớn nhất tỉnh Lâm Đồng |
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, nhờ tập trung gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới nên đời sống của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người từ 32,9 triệu đồng/người/năm vào năm 2016, nay đã tăng lên trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn vài phần trăm.
Đó là kết quả của việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các xã, chủ yếu là điện, đường giao thông, nước sinh hoạt; đồng thời đẩy mạnh công tác tín dụng.
Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, nhiều hộ nghèo đã được vay hàng chục tỷ đồng của các ngân hàng với lãi suất ưu đãi để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Những năm gần đây, ngoài Chương trình 30A và Chương trình 135, UBND huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã Đạ Pal, Quốc Oai, Mỹ Đức và Đạ Lây; nhờ vậy, đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá như lúa chất lượng cao, bắp chuyển đổi mùa vụ, dâu tằm, cao su, cây ăn trái, tre tầm vông…
Mặt khác, ban ngành chức năng của huyện chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng những mô hình điểm, hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo và cận nghèo. Từ đó, nhiều nông hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu, huyện Đạ Tẻh tập trung triển khai dự án “Bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A và B” (xã Đạ Pal) với tổng mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng, phục vụ hàng trăm hộ.
Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Đạ Tẻh giải ngân dự án “Chăn nuôi heo” cho 6 hội viên tại xã Đạ Lây vay tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Hội Nông dân huyện còn làm chủ đầu tư triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu trên diện tích 1.000m2 và mô hình trồng rau bò khai trên diện tích 2.000m2.
Các mô hình này và các khu vườn nông nghiệp công nghệ cao trồng đặc sản bưởi da xanh, dưa hấu, dưa lưới, sầu riêng… đều hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất để cho ra sản phẩm chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước.
Việc nhân rộng các mô hình nói trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.