Đột phá giảm nghèo ở xứ rau Đơn Dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đơn Dương là vùng sản xuất rau lớn nhất, huyện nông thôn mới đầu tiên ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đây cũng là địa phương triển khai hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đột phá giảm nghèo ở xứ rau Đơn Dương ảnh 1

Đơn Dương có diện tích đất trồng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng

Với gần 6.150 hộ (khoảng 33.200 nhân khẩu), Đơn Dương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá cao (chiếm trên 30%), chủ yếu là người Chu Ru và K’Ho.

Những năm gần đây, từ hàng chục tỷ đồng vốn thuộc Chương trình 135 (đầu tư vào vùng DTTS), huyện đã xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng...; hỗ trợ phân bón, máy nông nghiệp cho hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo để phát triển sản xuất.

Mỗi hộ DTTS đăng ký thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư sản xuất, phát triển sinh kế. Đến nay đã có hơn 350 hộ nghèo được nhận số tiền hỗ trợ này.

Với Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề, huyện đã hỗ trợ máy móc nông cụ để 185 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất có thể chuyển sang làm dịch vụ.

Mặt khác, huyện còn phối hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ban ngành, đoàn thể triển khai chương trình cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; sinh viên vay vốn để học tập với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Các ban ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm giúp các hộ DTTS ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích nhằm có thêm thu nhập.

Nhiều hộ DTTS đã chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn; làm nhà kính, nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp.

Về lĩnh vực chăn nuôi, phần lớn người DTTS đã học cách nuôi bò lai, bò sữa để thay thế dần giống bò cỏ đang bị thoái hoá. Tiêu biểu như hộ ông K’Zin (người K’Ho, ngụ xã Đạ Ròn), trước kia chỉ nuôi bò cỏ lấy thịt, thu nhập thấp; sau đó, chuyển sang nuôi bò sữa, có nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình ông có gần 30 con bò, một nửa trong số đó đang cho sữa, sản lượng trung bình 19kg/ngày, thu về hơn 5 triệu đồng/tháng, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Việc triển khai đồng bộ các chương trình hoạt động nói trên đã giúp bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ở Đơn Dương khởi sắc rõ rệt. Số hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn vài phần trăm.

MỚI - NÓNG