Giải Nobel Hòa bình 2020 vinh danh nỗ lực xóa đói

Một nhân viên WFP phát dầu ăn và bột mì cho người dân Pakistan trong tháng 9 vừa qua. Ảnh: WFP
Một nhân viên WFP phát dầu ăn và bột mì cho người dân Pakistan trong tháng 9 vừa qua. Ảnh: WFP
TP - Ủy ban giải thưởng Nobel Na Uy hôm qua quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2020 cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vì nỗ lực chống cái đói, những đóng góp để thúc đẩy hòa bình ở các vùng bị ảnh hưởng bởi xung đột và ngăn chặn sử dụng cái đói làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột.   

“Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trong đời tôi không thể nói nên lời. Tôi quá sốc và ngạc nhiên”, giám đốc WFP David Beasley nói với AP từ Niger.

WFP thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới đang hoạt động để loại bỏ cái đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2019, WFP hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia bị đói và mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Năm 2015, xóa bỏ đói nghèo được đưa vào các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. WFP là công cụ chủ yếu của LHQ nhằm đạt được mục tiêu này.

Năm 2019, có đến 135 triệu người bị đói nghiêm trọng - con số cao nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng này là chiến tranh và xung đột vũ trang.

Đại dịch COVID-19 góp phần khiến số lượng nạn nhân bị đói tăng mạnh trên thế giới. Ở những nước như Yemen, CHDC Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, sự kết hợp của xung đột bạo lực và đại dịch làm tăng số lượng người sống bên bờ vực nạn đói. Trong tình hình đó, WFP đã thể hiện khả năng ấn tượng trong nỗ lực chống đói. “Cho đến ngày chúng ta có vắc-xin dược phẩm, lương thực vẫn là vắc-xin tốt nhất để chống lại hỗn loạn”, WFP tuyên bố.

Cái đói và xung đột vũ trang tạo thành vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột gây ra cái đói và mất an ninh lương thực. Đói và mất an ninh lương thực lại khiến xung đột ngầm bùng lên và châm ngòi bạo lực. Thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu loại bỏ hoàn toàn cái đói trừ khi chấm dứt chiến tranh và xung đột vũ trang.

Ủy ban giải thưởng năm nay cho biết họ muốn nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ để bảo đảm an ninh lương thực không chỉ giúp ngăn chặn cái đói mà còn làm tăng cơ hội đạt được ổn định và hòa bình. WFP đang đóng vai trò đi đầu trong việc kết hợp công việc nhân đạo với các nỗ lực hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

WFP tham gia tích cực vào tiến trình ngoại giao dẫn đến việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết số 2417 vào tháng 5/2018, để lần đầu tiên khẳng định rõ ràng mối liên hệ giữa xung đột và đói nghèo. Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh các thành viên LHQ có nghĩa vụ giúp bảo đảm hỗ trợ lương thực đến được với những người cần, và lên án dùng cái đói làm vũ khí trong chiến tranh.

Với lựa chọn của năm nay, Ủy ban cho biết họ mong muốn thu hút chú ý của cả thế giới vào hàng triệu người đang trải qua hoặc đối mặt với cái đói. Mỗi ngày WFP đều có những đóng góp cho việc thúc đẩy tình đoàn kết giữa các quốc gia, đúng như điều được nhắc đến trong di chúc của Alfred Nobel.

Trước khi công bố, Ủy ban hoàn toàn giữ bí mật về người có triển vọng giành được giải thưởng danh giá nhất thế giới, nhưng suy đoán chưa bao giờ dừng trước buổi lễ chính thức.

Một số dự đoán năm nay là nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Geta Thunberg, Tổ chức Y tế thế giới với vai trò trong đại dịch COVID-19, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern… Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ cũng tin rằng ông xứng đáng nhận giải thưởng.

MỚI - NÓNG