Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mục tiêu sửa đổi lần này nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả quỹ.
Theo bà Lan, dự án luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.
Trên cơ sở đó, dự thảo đưa ra các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, dự án luật cũng bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc.
Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT là việc đánh giá tính hợp lý của cung cấp dịch vụ y tế khi giám định BHYT.
Việc ‟treo” quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh là do khó đạt được thống nhất giữa cơ quan thực hiện giám định và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tính hợp lý của việc cung ứng dịch vụ.
“Có ý kiến cho rằng bảo hiểm xã hội không đủ năng lực để thực hiện, do vậy, đề nghị nghiên cứu sửa lại khái niệm “giám định bảo hiểm y tế” tại luật hiện hành”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.
Người tham gia BHYT có thể đi khám mọi nơi
Nhấn mạnh việc đổi mới cách làm luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý thiết kế sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và “tuổi thọ” luật cao hơn. Theo ông, vấn đề bức xúc hiện nay là việc thanh toán và đảm bảo thuốc cho người dân tham gia BHYT.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu |
Đặc biệt, cần hướng tới sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa khám bệnh theo dịch vụ và theo BHYT. “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, vì thế cần có sự đối xử công bằng giữa điều trị bằng BHYT và điều trị theo dịch vụ”, ông lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT là đúng và phù hợp, tuy nhiên cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không ai bị giảm hay mất quyền lợi tham gia BHYT so với hiện tại.
“Qua trận bão lụt, sạt lở ở 26 tỉnh, thành vừa qua, người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người dân không có nhà ở, phải ở lều, lán... Khám bệnh và điều trị cho người dân là việc làm thường xuyên, nhưng trong thời điểm này cần được quan tâm hơn, đặc biệt là ở những vùng khó khăn nhất hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Liên quan đến việc sắp xếp cơ sở khám, chữa bệnh theo tuyến, với 3 cấp chuyên môn, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phải đảm bảo tính kế thừa, phù hợp, không phân biệt cơ sở công lập và cơ sở tư nhân.
Đối với việc chuyển tuyến, Chủ tịch Quốc hội tính tới lộ trình đơn giản, hiệu quả, người tham gia BHYT có thể đi khám được trên toàn quốc, đến tỉnh nào, huyện nào cũng có thể được thăm khám và thanh toán bằng BHYT.
Mỗi năm gần 180 triệu lượt khám, chữa bệnh
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cơn bão vừa qua đã làm biết bao hộ tái nghèo. Do đó, cần phải đánh giá toàn diện, các đối tượng trên và phải cho hưởng BHYT ngay.
“Ranh giới giữa vừa thoát nghèo lại tái nghèo nhanh lắm. Một cơn bão xảy ra, hay một căn bệnh ập đến lại tái nghèo ngay”, ông Định lưu ý.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh |
Tổng giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh nhất trí sửa đổi 4 chính sách cấp bách, cần thiết để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính tiện lợi nhất, cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo ông, mỗi năm trung bình có gần 180 triệu lượt khám, chữa bệnh cho khoảng 50 triệu người. Do vậy, việc đảm bảo quyền lợi và kinh phí quỹ cũng là một sự cố gắng rất lớn của ngành.
Ông Mạnh cũng khẳng định, chưa bao giờ BHYT lại được cải cách, chuyển đổi số như hiện nay. Thẻ điện tử đã được áp dụng 2 năm nay, cơ sở dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người dân chỉ cần thẻ căn cước mà không cần giấy như trước nữa.