Bệnh nhân BHYT phải tự mua vật tư y tế: Loay hoay gỡ vướng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi ngành y tế đang loay hoay gỡ vướng, tìm nhà cung cấp thì nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện công lập của Bình Dương dù có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải tự ra ngoài mua theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân phải rời giường bệnh đi mua vật tư

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương là tuyến cuối chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh.

Là một trong số các bệnh nhân đứng chờ mua vật tư y tế cho mình ở tiệm thuốc Tây tư nhân ngoài bệnh viện, ông N.N.P. (55 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết, ông đang nằm điều trị tại khoa Thận, BVĐK tỉnh Bình Dương. Ông cầm đơn chỉ định của bác sĩ rồi tự băng qua đường Phạm Ngọc Thạch (8 làn xe) đối diện bệnh viện để đi mua vật tư cho ca phẫu thuật bệnh sỏi thận.

Bệnh nhân BHYT phải tự mua vật tư y tế: Loay hoay gỡ vướng ảnh 1

Bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Dương tự mua vật tư

Ông P nói: “Tôi có BHYT song khi nằm viện, bác sĩ vẫn kê toa để ra ngoài mua. Tôi phải mua từ kim tiêm, dây truyền dịch, bông gạc... tốn hơn 1,5 triệu đồng. Một số bệnh nhân có người nhà đến chăm sóc thì đỡ, gia đình tôi ai cũng bận công việc nên tôi tự đi mua thuốc”. Việc bệnh nhân phải tự rời giường bệnh đi mua vật tư y tế hoặc thuốc cũng là tình cảnh chung của nhiều bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế công lập của Bình Dương.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương vừa ký văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn báo cáo tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị cho người bệnh tham gia BHYT, mốc thời gian thống kê từ đầu năm đến nay và báo cáo về Sở Y tế trước ngày 7/6/2024. Công văn cũng đề nghị các cơ sở y tế giải trình nguyên nhân người bệnh phải mua vật tư, thuốc, báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để khắc phục nhanh nhất về tình trạng trên.

Đâu là nguyên nhân?

TS.Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương thừa nhận trong thời gian qua đã xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ tại BVĐK tỉnh mà còn ở các cơ sở y tế công lập. Theo ông Chương, nguyên nhân do đặc thù của đấu thầu mua thuốc tập trung được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành riêng, không có nhà tư vấn, thẩm định lựa chọn nhà thầu, không có thẩm định giá, không có tư vấn đấu thầu... Tất cả mọi công việc đấu thầu đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Theo ông Chương, Bình Dương là một trong các tỉnh đấu thầu được thuốc sớm nhất theo thông tư mới. Việc thiếu một vài thuốc cục bộ có thể xảy ra do các đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu hoặc do đứt chuỗi cung ứng nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc.

Về thiếu hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế chủ yếu xảy ra ở BVĐK tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, nguyên nhân do hàng năm các cơ sở y tế phải tổ chức đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế để sử dụng cho người bệnh, thời gian tổ chức và lựa chọn nhà thầu thường mất khoảng 4 - 6 tháng. Tuy nhiên các Thông tư, Nghị định thường xuyên thay đổi và cơ chế đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế cần thời gian để thực hiện từng bước theo quy định gồm nhiều thủ tục, dẫn đến chậm.

Trước đó các gói thầu có giá trên 200 triệu đồng phải trình qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu (của Sở Y tế), trên 2 tỷ đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên, HĐND tỉnh Bình Dương đã phân cấp cho BVĐK tỉnh tự quyết các gói thầu dưới 5 tỷ đồng. Hiện nay bệnh viện đã và đang gấp rút lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu vật tư tiêu hao và gói hóa chất.

Giải thích thêm lý do bệnh nhân phải tự ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, công tác cung ứng, đấu thầu gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến một số vật tư y tế, sinh phẩm y tế, hóa chất, thuốc không đủ để phục vụ điều trị người bệnh. Để bảo đảm khách quan trong công tác tư vấn cũng như bảo đảm tính pháp lý, bác sĩ điều trị nêu ý kiến người bệnh chuyển lên tuyến trên để tiếp tục quá trình điều trị.

“Nếu người bệnh, thân nhân không đồng ý chuyển viện thì bác sĩ có trách nhiệm giải thích đầy đủ, trung thực về tình trạng bệnh, hướng điều trị tiếp theo của người bệnh và tư vấn đồng thuận chi trả chi phí đối với các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm y tế mà bệnh viện không có khả năng cung ứng; đồng thời hướng dẫn bệnh nhân, thân nhân thực hiện ký giấy cam kết”- bác sĩ Chương cho biết.

MỚI - NÓNG