Đó là trường hợp nam bệnh nhân N.V.S. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mất ngôn ngữ, liệt nửa người bên phải. Theo bệnh án, anh S. không có bệnh lý nền, trước khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, cơ thể bệnh nhân có nhiều vết bầm. Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân có thói quen thích giác hơi mỗi khi có cảm giác đau lưng, đau vai gáy. Một ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đã nhờ người thân giác hơi.
Các bác sĩ can thiệp lấy huyết khối giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch |
Kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định động mạch cảnh trong bên trái đoạn cổ của bệnh nhân bị bóc tách. Đây là nguyên nhân trực tiếp hình thành cục máu đông di chuyển lên não khiến người bệnh rơi vào tình trạng nhồi máu não.
Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ nỗ lực cứu chữa. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân tiếp tục được can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau can thiệp, chức năng ngôn ngữ và vận động của người bệnh đang phục hồi tốt.
Từ trường hợp trên, TS.BS Khoa cảnh báo cộng đồng, nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút. Những chiếc cốc có thể tạo lực hút rất mạnh làm tổn thương vùng da cơ mỏng, mạch máu gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe.
TS.BS Khoa cho biết thêm, bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ do chấn thương gây bóc tách động mạch vùng cổ (cả động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống) sau động tác “bẻ cổ” của người thợ hớt tóc, nhân viên massage cho khách hàng của mình. Một số trường hợp rơi vào nguy kịch chỉ vì tự thực hiện những động tác xoay lắc, gập ưỡn cổ quá mức.