Con sẽ lùn vĩnh viễn nếu cha mẹ bỏ qua dấu hiệu này

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trẻ bị chậm tăng trưởng nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ ảnh hưởng vĩnh viễn đến chiều cao cả cuộc đời. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần nhận biết sớm các biểu hiện chậm tăng trưởng ở trẻ để điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì.

Chiều 1/6 nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM đã tổ chức chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. BS Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết của bệnh viện cho biết, chậm tăng trưởng là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi.

Chiều cao của trẻ được quyết định bởi các yếu tố di truyền (chiều cao của cha mẹ) môi trường (tình yêu thương chăm sóc của gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động thể lực); dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết như tim mạch, thận, phổi, tiêu hóa.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng khác ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng chiều cao ở trẻ là thiếu hormone tăng trưởng. Theo ước tính, trên thế giới, tỷ lệ trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng chiếm khoảng 1/4.000 đến 1/10.000 trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết, nếu không được phát hiện điều trị sớm trước tuổi dậy thì trẻ sẽ bị thấp vĩnh viễn.

Con sẽ lùn vĩnh viễn nếu cha mẹ bỏ qua dấu hiệu này ảnh 1

Trẻ được tầm soát tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Theo BS Ngọc Anh, dấu hiệu ở trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thường rất mơ hồ như trẻ có chiều cao hạn chế hoặc tăng trưởng chiều cao chậm, trẻ có thể có dáng người mũm mĩm do tăng khối mỡ, giảm khối cơ hoặc bàn tay, bàn chân nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ có vẻ mặt chậm trưởng thành hơn so với độ tuổi (gương mặt búp bê). Một số trường hợp có biểu hiện sống mũi thấp, thiểu sản xương hàm dưới, cơ quan sinh dục nhỏ (ở bé trai).

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể theo dõi và nhận biết trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao dựa theo biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (đều có tại các trường học). Nếu thấy tốc độ tăng trưởng của trẻ thường ở dưới đường trung bình chung thì đó là trẻ có chiều cao bất thường theo tuổi. Nếu tốc độ tăng chiều cao trong 1 năm chỉ tăng dưới 4cm hoặc đi ngang thì trẻ cần phải được thăm khám, điều trị tại các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết nhi trước tuổi dậy thì.

Bác sĩ cho biết, tại Việt Nam, trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao thường được phát hiện muộn cao khi đến tuổi đi học. Tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác. Việc phát hiện muộn khiến trẻ mất đi cơ hội được điều trị cải thiện chiều cao.

Với những trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ tiêm bổ sung hormone. “Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện liên tục trong vài năm khi trẻ đang trên đà phát triển. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ hiệu quả của việc tiêm hormone và điều chỉnh liều lượng khi cần thiết. Ngoài ra, chỉ định tiêm hormone cũng có thể chỉ định đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do nhiều bệnh lý khác như: nhỏ so với tuổi thai, hội chứng Turner, bệnh thận mạn” – BS Ngọc Anh nói.

MỚI - NÓNG
Nắng nóng quay trở lại miền Bắc
Nắng nóng quay trở lại miền Bắc
TPO - Do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 24-27 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng dần về phía Đông Nam nên nắng nóng quay trở lại các tỉnh miền Bắc từ ngày mai.