Vợ tôi cau mày: “Con định trốn học à? Trường của mẹ chỉ cho F0 nghỉ, F1 vẫn đi học bình thường”.
Nhìn con nước mắt ngắn dài cố sức phân bua, tôi lập tức gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm. Hóa ra những gì con tôi nói là không sai. Và, đương nhiên vợ tôi cũng vậy. Sự thật là chỉ trong phạm vi TPHCM, cách xử lý tình huống có học sinh là F0, mỗi trường làm một kiểu. Nơi thì cho F0 về nhà; có nơi cho cả F0 và các F1 và cũng có nơi cho cả lớp nghỉ học… cho dù nhiều ngày trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải kiên quyết đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Lệnh của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng là vậy nhưng đến nay, các bộ, ngành chức năng và địa phương vì nhiều lý do vẫn chưa ban hành một bộ quy chuẩn thống nhất về cách thức xử lý tình huống có học sinh là F0 trong trường học. Các quy tắc, cẩm nang… cần thiết để hướng dẫn cho các phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và ban giám hiệu nhà trường cũng đang bỏ trắng, cho dù điều đó là hết sức cần thiết trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực "Thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Câu chuyện mỗi nơi làm một phách không cá biệt trong ngành giáo dục. Doanh nghiệp bắt tay vào khôi phục sản xuất kinh doanh, khi phát hiện công nhân lao động là F0 thì có nơi yêu cầu cách ly y tế 5 ngày, 7 ngày, có nơi 10 ngày, thậm chí là 14 ngày… Nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không được thực hiện một cách thông suốt, đến nơi đến chốn từ Trung ương đến cấp cơ sở và không ít rơi vào tình trạng “trên thông, dưới tắc”, vận hành không đồng nhất. Ví như nỗ lực chạy đua thu hút du khách nước ngoài nhằm khôi phục kinh tế, cạnh tranh với các nước trong khu vực, Thủ tướng yêu cầu kể từ ngày 15/2, Việt Nam mở cửa bầu trời, khôi phục các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, đã qua 2 ngày, các bộ, ngành liên quan vẫn còn dùng dằng, chưa có các quy chuẩn, quy định hướng dẫn thực hiện. Chính phủ yêu cầu đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân thì nông sản vẫn tiếp tục ùn ứ ở các cửa khẩu…
Các cơ quan quản lý nhà nước vốn là một bộ máy hành chính khổng lồ, nếu vận hành một cách linh hoạt, thống nhất đến từng chi tiết và linh kiện nhỏ nhất thì sẽ tạo ra hiệu năng cao nhất. Ngược lại, chỉ cần một vài chi tiết, linh kiện có vấn đề, vận hành chệch choạc, không đồng bộ, không tạo ra được một sự cộng hưởng về lực thì cỗ máy sẽ trục trặc, thậm chí hư hỏng…
Chỉ có “Trên dưới đồng lòng”, “Tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” và “dọc ngang thông suốt” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ này thì đất nước mới hy vọng phát triển.