Trẻ và trẻ hơn nữa

Tác phẩm sơn dầu “Thánh Gióng” của tác giả trẻ Phạm Thuấn
Tác phẩm sơn dầu “Thánh Gióng” của tác giả trẻ Phạm Thuấn
TP - Hai cuộc triển lãm “Tay trong tay” và “Đồ màu hường” sắp diễn ra tại Hà Nội sẽ là cuộc gặp gỡ giữa hai lớp nghệ sĩ đều trẻ.

Cơ hội của người trẻ

Đến hẹn lại lên, triển lãm mùa hạ thường niên của CLB Họa sĩ trẻ Hà Nội là không gian nghệ thuật được chờ mong. Họa sĩ Đỗ Hiệp, Chủ nhiệm CLB cho biết triển lãm lần này diễn ra làm 2 đợt. Đợt 1 là triển lãm về hội họa thể nghiệm với sự tham gia của 40 nghệ sĩ, đại diện cho 2 thế hệ trẻ. 

Các tác phẩm đa dạng, từ tranh lụa, đồ họa, sơn dầu, acrylic… đến các tác phẩm sắp đặt. Ở đó, ai có “cái áo” nào đẹp nhất thì mang đến khoe, ai có gì đẹp thì mang đến đặt, không phân biệt bất cứ hình thức nào... Đây là dịp để các họa sĩ trẻ thoải mái thể hiện mình, tìm tòi và đưa ra tác phẩm nhằm giao lưu cũng như thể nghiệm những ý tưởng mới.

Đợt 2 diễn ra sau đó 1 tuần sẽ là triển lãm riêng về điêu khắc mang tên “Đồ màu hường”. Trong triển lãm này có điểm đặc biệt là tất cả các tác phẩm điêu khắc đều có màu hồng, không giới hạn về chất liệu và kích thước. Các nghệ sĩ sẽ dùng không gian màu hồng để lôi kéo mọi người vào cuộc vui của mình. Màu hồng biểu tượng cho sự trẻ trung, lãng mạn. Có thể mỗi người một vẻ nhưng nhuộm trong không gian đó, họ sẽ tìm thấy tiếng nói chung.

Đánh giá về các tác phẩm tham gia triển lãm lần này, họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết: “Các đề tài mang thông điệp phản ánh cuộc sống nhiều hơn. Nghệ sĩ dám bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với những vấn đề xã hội. Có một số gương mặt trẻ mới lần đầu tham gia như Can Ân, Đỗ Trọng Quý,... nhưng rất khá. Tôi ấn tượng với tác phẩm “Quyền riêng tư” của Can Ân khi anh chàng so sánh hình ảnh cái bồn vệ sinh với sự thay đổi của đô thị, hay tác phẩm “Thánh Gióng” của Phạm Thuấn cũng mang lại một cái nhìn rất mới mẻ”.

Mỗi nghệ sĩ là một cá tính, hai người ngồi với nhau đã khó, thế mới thấy nỗ lực đáng nể của Ban tổ chức. “Vài người đã từ chối, thậm chí muốn rút khỏi câu lạc bộ vì họ đã có tên tuổi, muốn tự làm những triển lãm cá nhân chứ không phải đứng chung với những sinh viên mới ra trường, nhưng cũng có những người vẫn nhiệt tình với câu lạc bộ, họ vui vẻ nhận lời, bởi họ nhìn thấy hình bóng của chính mình khi xưa”- Họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết. 

Thông qua 2 triển lãm lần này, Ban Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ cũng khuyến khích và mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ mới có cơ hội ra mắt, xếp những viên gạch đầu tiên của mình, kết nối các nghệ sĩ với nhau qua triển lãm, tọa đàm, những workshop chuyên đề về chất liệu, đề tài, quy tụ, gắn kết niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Sức mạnh của bó đũa

CLB Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập từ năm 1994. Định kỳ hàng năm, CLB tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm của hội viên trẻ tuổi dưới 35. Ban đầu, CLB mang tên Hoạ sĩ trẻ nhưng một thời gian đã chuyển sang tên gọi CLB Nghệ sĩ trẻ bởi đối tượng tham gia đã mở rộng hơn, gồm cả các nhà điêu khắc, lý luận phê bình mỹ thuật... Các triển lãm mang tính chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn.

Trẻ và trẻ hơn nữa ảnh 1

Tác phẩm sơn dầu “Quyền riêng tư” của Can Ân, gương mặt trẻ lần đầu tiên tham gia Câu lạc bộ.

Một vài triển lãm gần đây tạo dấu ấn, “Chỉ 1m2” tạo sự hứng khởi cho các họa sĩ trẻ vì cách đặt vấn đề mới lạ. Các triển lãm khác tiếp sau như triển lãm thử nghiệm về nghệ thuật đồ họa vi tính, triển lãm tranh bộ… cũng gây được sự chú ý. Năm 2015 có thể nói là một năm “bung lụa” đầy màu sắc của CLB Nghệ sĩ trẻ Hà Nội. 

Trong tháng 7, triển lãm mang tên “Chòn chòn” lấy cảm hứng từ hình tròn, các nghệ sỹ trẻ đã đề cao sự giao lưu kết nối các nghệ sỹ năng động hai miền Bắc- Trung với nhau. “Vào- Ra” cũng là một chuỗi triển lãm nằm trong hoạt động thường niên của CLB Nghệ sĩ trẻ, với gần 30 nghệ sĩ chia làm 6 nhóm trưng bày liên tục trong 12 ngày. Đây là một thể nghiệm mới trong cách thức tổ chức triển lãm, mang đến sự thay đổi, luân chuyển liên tục trong một khoảng thời gian ngắn cùng với nhiều sự xuất hiện của các tác giả trẻ lần đầu tham gia CLB.

Cũng trong năm 2015, triển lãm “Lây” của CLB cũng gây được tiếng vang trong giới mỹ thuật. Với hội họa, “lây” là một vấn đề nhạy cảm, là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều thế hệ họa sĩ. Đó có thể là những cái “lây” mang chiều hướng tích cực như “lây” niềm đam mê, tình yêu nghề nghiệp…, nhưng cũng có thể là “lây” phong cách, ý tưởng… dẫn đến sự rập khuôn trong sáng tác, hay còn gọi là “đạo”. Chính vì vây, triển lãm chọn chủ đề “lây” để phản ánh các vấn đề hiện tại của các nghệ sĩ đang gặp phải, đang lo lắng, qua đó hướng mọi người đến những cái “lây” tích cực.

Đánh giá về lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay, họa sĩ Đỗ Hiệp cũng cho rằng, các bạn trẻ rất nhanh nhẹn, dám nghĩ dám làm nhưng đôi khi hơi dễ dãi và không biết mình đang ở đâu. Thiếu sự bình tĩnh, thiếu sự đầu tư cho tác phẩm của mình. “Tuy nhiên, hãy cứ tin họ. Ngày nay, không nhiều người dám theo đuổi tận cùng đam mê của mình, sinh viên mỹ thuật ra trường phần lớn bỏ nghề và làm những công việc liên quan như đồ họa, thiết kế, quảng cáo… Thế nên, bạn trẻ nào quyết tâm theo đuổi nghệ thuật đều đáng quý và đáng để trao cho họ những lá cờ”- Chủ tịch CLB Nghệ sĩ trẻ tâm sự. 

Đợt 1 là triển lãm về hội họa, khai mạc vào 17h00 chiều 27/6 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đợt 2 diễn ra sau đó 1 tuần vào đầu tháng 7 cũng tại địa điểm trên.


MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.