Chủ đề năm nay là “Khám phá chín con rồng ở Mê Kông”, đã được quảng bá trên báo chí Pháp từ rất sớm. Triển lãm kéo dài 10 ngày thu hút khoảng 200.000 khách. Tựa đề này chính là cách nói hoa mỹ tên dòng sông Cửu Long (Chín Rồng), tên sông Mê Kông chảy qua Việt Nam. Người xem sẽ được du lịch ngược dòng từ đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam, qua các vùng châu thổ, thăm đền Angkor Wat (Campuchia) nổi tiếng, qua Lào, và lên mãi tít tận cao nguyên Himalaya. Năm ngoái, triển lãm mang chủ đề “Du lịch xe chuyên dụng”.
Mỗi một triển lãm là một chuyến du hành về một miền đất mới, với những cuộc phiêu lưu lý thú - đó là mục đích của triển lãm ở Caen.
Chợ nổi ở miền Nam Việt Nam (Ảnh quảng cáo triển lãm).
Sông Cửu Long đã từng là điểm khám phá quan trọng nhằm khai thác thuộc địa từ thời Pháp thuộc. Triển lãm này sẽ làm sống lại những cuộc thám hiểm phiêu lưu của những người Pháp đầu tiên đi chinh phục thuộc địa từng có mặt nơi đây như Auguste Pavie (1847-1925), một nhà ngoại giao và nhiếp ảnh về sông Mê Kông, đã làm việc sinh sống ở Nam Kỳ, Lào, Campuchia; và Francis Garnier (1839-1873) một sĩ quan hải quân Pháp cũng từng là một trong những người thám hiểm sông Mê Kông với viên sĩ quan Ernes Doudart de Lagrée, ham vọng đi chinh chiến Bắc Kỳ đã bị chết trận ở Cầu Giấy.
Cuộc triển lãm chắc chắn hấp dẫn hậu duệ những người từng có mặt ở Đông Dương thời thuộc địa. Ngay ở Caen, trong công viên cư xá nhà thương, cũng có một khoảng sân mang tên “Cựu chiến binh Đông Dương” gần đại lộ Quân đoàn 43. Nơi đây dựng một tượng đài kỷ niệm những người hy sinh và mất tích ở Đông Dương 1945-1954. Khắp nước Pháp đâu đâu cũng có thể tìm thấy những con đường và đài tưởng niệm chiến tranh Đông Dương. Hơn 200 con đường ở Pháp mang tên liên quan đến Việt Nam* chứng minh Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương đã khắc sâu trong lịch sử nước Pháp. Nhưng tượng đài ở Caen có một nét đặc biệt: Hội cựu chiến binh Đông Dương ở Normadie và Caen khá đông đã quyết định đi thăm lại Điện Biên Phủ xin mang đất về đặt trân trọng trong tượng đài.
Sông Cửu Long cũng đã đi vào tác phẩm văn học Pháp như “Đập chắn Thái Bình Dương”, “Người tình”…của nhà văn nữ nổi tiếng Marguerite Duras sinh ra ở Sài gòn. Dòng sông này là một nhân chứng lịch sử ghi lại chiến tranh của người Việt chống Pháp và chống Mỹ được sử sách Pháp ghi chép.
Theo ban tổ chức, triển lãm sẽ tạo dựng những rừng tràm, rừng đước cùng những làng mạc, chợ nổi ven sông hư ảo như trong phim India Jones hấp dẫn. Người xem như khám phá một thế giới xa lạ quyến rũ sống động đã được miêu tả trong sách và phim Pháp. Chiến tranh đã chấm dứt từ hơn nửa thế kỷ, cuộc sống nơi đây đã đổi thay. Các nước đã giành độc lập. Thuộc địa đã mất. Mối quan hệ giữa Pháp và các nước nơi sông Cửu Long chảy qua đã khác. Tuy nhiên những kỷ niệm của đất nước và dòng sông Mê Công vẫn mãi mãi ghi đậm trong lịch sử thuộc địa Pháp.
* “Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường của Pháp”, nxb Văn hóa thông tin, 2014.