Bên dòng Mê Kông xứ Triệu Voi

Bên dòng Mê Kông xứ Triệu Voi
TPO - Không chỉ có thêm trải nghiệm thực tế về lý thuyết liên quan đến ngành học, những chuyến thực tế xuất ngoại còn có cảm nhận, bài học về văn hóa, con người bên ngoài sách vở.

>Nữ sinh Việt xinh đẹp thạo 6 thứ tiếng
>Những giờ văn trò sắm vai, cô đạo diễn

“Theo chân” những sinh viên K30 Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) để có khám phá những góc nhỏ bên dòng Mê Kông ở đất nước Lào – xứ sở “Triệu Voi”.

Cà phê bên dòng Kông

Dọc bên dòng Mê Kông rợp sắc xanh của cây là những quán cà phê nhìn từ xa như những khu nhà vườn xinh xắn; hòa lẫn vào nét thanh bình, nguy nga và bí ẩn của Thủ đô Viêng Chăn. Phương, một thành viên trong đoàn khéo liên tưởng: “Nhìn những quán ấy như những bông hoa Chăm-pa. Sàn gỗ bóng loáng; Hiên nhà chạm trổ với hình những bông hoa Chăm-pa đặc trưng của Lào”. Như tính cách khiêm nhường của người Lào, bàn ghế lẫn đồ trang trí ở quán đều toát vẻ mộc mạc.

Thức uống chính ở quán, hẳn nhiên là cà phê. Nhưng lại có sự đặc biệt ở hương vị, cách phục vụ… Như nhiều thành viên trong đoàn, Phương đã khá bất ngờ với việc chủ quán giới thiệu cà phê, rang và pha ngay trước mặt khách. “Cà phê ở Lào phần lớn được trồng từ cao nguyên Bolovens ở miền Nam Lào. Tách cà phê được pha với vị ngọt đậm như thị hiếu của người bản địa; uống kèm với một cốc Nam Sa, một loại trà Tàu pha nhạt”, Phương rành rọt kể.

Điều làm nên nét riêng trong thức uống phục vụ ở những quán cà phê bên dòng Mê Kông là nước dừa. Đây là thức uống rất phổ biến và được người Lào chuộng. Có thể gặp hương vị nước dừa trong nhiều loại thức uống khác nhau.

Giữa khung cảnh Lào, thức uống Lào, nhưng như nhiều du khách Việt khác, những sinh viên K30 Quan hệ Quốc tế vẫn có cảm giác đang ở Việt Nam. Nét Việt trong giai điệu, ca từ của những bài hát quen thuộc Việt Nam. “Ngồi bên dòng Mê Kông, trái tim của nước Lào mà được nghe âm sắc Việt được phát âm lơ lớ thấy lòng thật ấm áp, gần gũi”, Phương nói.

Rong ruổi chợ đêm

Nhiều món đồ lưu niệm được làm bằng đồng, bạc ở chợ đêm thu hút người mua
Nhiều món đồ lưu niệm được làm bằng đồng, bạc ở chợ đêm thu hút người mua.
 

Khi bóng tối chùm lên hai bên bờ Mê Kông cũng là lúc những gian hàng chợ đêm sáng ánh đèn điện. “Chợ đêm ở đây không đông đúc, tấp nập như chợ đêm tại Hà Nội. Hàng hóa được bày dưới những gian hàng lợp bằng vải đỏ, phía trước treo đèn lồng”, Hà Quyên chia sẻ.

Dưới ánh đèn, nhiều món hàng mang nét đặc trưng của xứ sở Triệu Voi hiện lên rực rỡ. Mặt hàng chủ yếu bán quần áo, phụ kiện, túi sách, trang sức, tượng phật bằng đồng hoặc bạc, đồ handmade… Cùng với những khách du lịch, những sinh viên K30 Quan hệ Quốc tế bị cuốn hút ngay bởi những món đồ lưu niệm nhỏ xinh bằng bạc như: vòng tay, vòng cổ, nhẫn, tượng phật, đĩa bạc có biểu tượng tháp Thạt Luổng hay Khải Hoàn Môn… Trong làn gió mát hắt lên từ dòng sông xen lẫn hương vị của những món ăn như bò khô, lẩu nướng cay…

Nét hấp dẫn nữa của chợ đêm bên dòng Kông ấy là sự thanh bình, thân thiện. “Những chủ hàng luôn hào phóng tặng khách những nụ cười, những cái chắp tay cúi chào; thân thiện chào hàng dù bạn không mua hay trả giá thấp”, Thu Trang nói.

Phương, Hà Quyên và như nhiều thành viên khác lại ấn tượng là hầu như những người Lào bán hàng chợ đêm đều biết nói một vài câu tiếng Việt. Ở đây thật khó để nhìn thấy bóng dáng của một người ăn xin, hay cảnh chèo kéo khách hàng…

Một quán cóc với những thức uống đầy màu sắc bên dòng Mekong
Một quán cóc với những thức uống đầy màu sắc bên dòng Mekong.

Mang về Hà Nội là…

Sau chuyến xuât ngoại thực tế, những sinh viên như K30 Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu được những kiến thức chuyên ngành, trải nghiệm cuộc sống.

Đó là những câu tiếng Lào học được trong những buổi làm việc của đoàn, những lần rong ruổi chợ đêm hay quán cà phê hướng ra dòng Kông thơ mộng. Quỳnh Hương, Thu Trang và những thành viên trong đoàn sôi nổi khi đố nhau những câu tiếng Lào như: “Khoi huk chau” (anh yêu em); “sả bai đi” (Xin chào); “pay đi” (Tạm biệt); “non lắp phẳn đi, la ty sa vặt” (chúc ngủ ngon)…

Mang theo về Hà Nội còn có niềm nhớ hương vị ẩm thực của xứ Triệu Voi. Đó là những xôi nếp, lạp xường… cả những món từ côn trùng như sâu lá tre, dế cơm, trứng kiến… Trần Hà cho hay: “Trong các món ăn của người Lào đều có thêm rất nhiều ớt. Những ngày đầu, nhiều thành viên khó ăn, nhưng đến giờ đâm lại nghiền và nhớ lâu”.

Một món ăn chế biến từ côn trùng của Lào
Một món ăn chế biến từ côn trùng của Lào.

Cùng với những kỷ niệm về sự thân thiện của người dân, là vẻ đẹp thanh bình của đất nước Triệu Voi, những sinh viên đi thực tế như Thu Trang, Trần Hà, Hà Quyên còn thu nhận thêm những câu chuyện cuộc sống, tình cảm cô trò, bạn bè...

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Hơn 240 quân nhân Việt Nam tiếp tục đi gìn giữ hòa bình thế giới
Hơn 240 quân nhân Việt Nam tiếp tục đi gìn giữ hòa bình thế giới
TPO - Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, ngày 24/9 tới, 243 quân nhân thuộc biên chế Đội Công binh số 3 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 của Việt Nam sẽ lên đường tới châu Phi, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ), thay thế cho Đội Công binh số 2 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5.