Trẻ tựu trường, lo lây lan dịch tay chân miệng

Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng Ảnh: Thái Hà
Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng Ảnh: Thái Hà
TP - Các bác sĩ cảnh báo dịch tay chân miệng (TCM) có nguy cơ lây lan cao khi trẻ em bước vào năm học mới.

> Dịch tay chân miệng trong tầm kiểm soát

Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng Ảnh: Thái Hà
Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Thái Hà.
 

PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết trong số hơn 200 trẻ đến khám và điều trị bệnh TCM tại bệnh viện thời gian qua phần lớn mắc bệnh do virus Coxsackie A16. Nhiễm bệnh do virus Coxsackie A16 thường lành tính và tự khỏi sau 7 – 10 ngày, biến chứng thường ít xảy ra.

Nhiễm bệnh do E 71 có thể gây viêm màng não và hiếm hơn là các bệnh trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt. Viêm não do EV 71 có thể gây
tử vong.

Biến chứng thường gặp của bệnh TCN bao gồm viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Biến chứng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.

Bác sĩ Nhật An lưu ý bệnh lây rất nhanh qua đường hô hấp (khi trẻ mắc bệnh nói bắn nước bọt ra và người khác dính phải) hoặc tiếp xúc ở nhóm trẻ sống cùng nhà trẻ khi virus gây bệnh lây lan qua bàn tay, thức ăn đồ uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm mầm bệnh. Không chỉ trẻ dưới 5 tuổi, nhất là nhóm trẻ 3 tuổi, trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm sốt, đau họng và nổi ban có bóng nước, biếng ăn, mệt mỏi… Khám họng trẻ phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bóng nước và tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.

Ban trên da với các tổn thương phẳng hoặc có thể gồ lên mặt da, một số hình thành bóng nước, thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Tuy nhiên mụn nước có thể xuất hiện ở vùng mông, vùng khớp gối.

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết muốn phòng chống bệnh này, phải chú ý môi trường vệ sinh xung quanh, giữ vệ sinh cá nhân. Trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh và sau khi đi đâu về phải rửa tay, không uống nước lã, không ăn thức ăn sống và lạnh. Khi có dịch, không nên đưa trẻ đến nơi đông người và những nơi không khí không trong lành, tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Những trẻ học mẫu giáo mắc bệnh, phải kịp thời báo cho cô nuôi dạy trẻ. Phải đợi sau một tuần không có triệu chứng gì sau khi khỏi bệnh mới đưa trẻ đến trường. Nếu nhẹ thì không cần phải nằm viện điều trị ở nhà, chú ý nghỉ ngơi để tránh lây nhiễm lẫn nhau.

Trong gia đình có trẻ em mắc bệnh TCM, có thể áp dụng những biện pháp sau đây: Vú sữa, bình sữa, bát đũa, khăn mặt… ngâm 30 phút trong nước nóng 50 độ C trở lên hoặc đun sôi khoảng 3 phút; Dùng thuốc diệt trùng để khử trùng đồ chơi, bàn ghế, quần áo theo sự hướng dẫn của bác sĩ…

Tám tháng đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc bệnh TCM tại 52 tỉnh thành phố, trong đó 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Số mắc gia tăng liên tục từ tháng 5-2011. Đây là năm có số mắc, chết cao nhất từ trước tới nay. Các tháng cuối năm 2011, tình hình mắc bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG