Không đổi mới, không “trị” được tham nhũng, lãng phí
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Đảng trong 86 năm qua, có những giá trị, bài học gì đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương khóa mới cần phải phát huy, thưa ông?
Bài học có giá trị xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta từ năm 1930 đến nay chính là sự kiên định với con đường lý tưởng cách mạng đã lựa chọn. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mà những người vừa được Đại hội Đảng toàn quốc bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, phải nhớ và thực hiện một cách kiên định. Có kiên định với mục tiêu này thì cán bộ mới có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngược lại, nếu tư tưởng cứ “chập chờn”, “chao đảo” thì không những không làm được việc mà còn gây hại đến năng lực lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết trong Đảng, trong Ban Chấp hành Trung ương. Thực tế trước đây, cũng có những giai đoạn, trong Đảng có biểu hiện của sự mất đoàn kết. Đây là nguy cơ làm giảm sức chiến đấu, giảm uy tín và năng lực lãnh đạo, vì thế Đảng đã thực hiện nhiều đợt chỉnh huấn, chỉnh đốn để sửa đổi lề lối, tác phong làm việc và tăng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tại Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Ngày nay, trong cơ chế thị trường, đôi khi sự gương mẫu của người đảng viên lại bị che lấp bởi của cải vật chất, rồi lợi ích nhóm dẫn đến nguy cơ mất đoàn kết. Vì thế, việc đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng cần phải tăng cường, trong đó cần phải tiếp tục thực hiện kiên trì, có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết T.Ư 4 để ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lý tưởng; xử lý nghiêm tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm…
Từ năm 1986 đến nay, Đổi mới luôn là một nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác định. Tại Đại hội XII vừa qua, vấn đề đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế một lần nữa được nhiều đại biểu nêu ra. Vậy theo ông Đảng cần phải có giải pháp gì để việc đổi mới thực sự trở nên mạnh mẽ và hiệu quả?
Bài học lớn nhất trong công cuộc đổi mới đất nước thực ra đã được Đại hội VIII nêu ra một cách rõ ràng, cụ thể, đó là phải kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Từ thành quả đổi mới kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với thực tiễn.
Nhưng chính trị lại là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm nên đổi mới như thế nào thì lại là điều không dễ dàng một chút nào. Nếu đổi mới không đúng, sai lệch thì cơ hội để cứu vãn là không có. Do đó, Đảng xác định việc đổi mới chính trị là phải làm từng bước, vững chắc, không để xảy ra đổ vỡ… Tuy nhiên, qua 30 năm chúng ta mới thành công một phần về đổi mới kinh tế, còn đổi mới chính trị thì hơi chậm. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả, tạo lực cản cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trước vấn đề trên, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua, thấy yêu cầu đổi mới đồng bộ về chính trị và kinh tế được nhiều đại biểu đề nghị. Các văn kiện của Đại hội cũng khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ XII phải đổi mới - ổn định và phát triển đất nước. Đây là ba vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi nếu đổi mới mà không ổn định, không tạo ra sự phát triển cho đất nước thì đổi mới đó là vô tác dụng, thậm chí còn gây hại. Nhưng nếu nhân danh sự ổn định để rồi không đổi mới gì cả, thì đất nước vẫn đứng tại chỗ, không phát triển, thậm chí có khi còn tụt hậu.
Đảng phải lấy đổi mới kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị.
Nhiệm kỳ này cần phải kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật mới sửa chữa được những khuyết điểm. Nếu không đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế thì tình trạng trì trệ, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân, vô cảm… còn tiếp tục diễn ra.
ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Nguồn nhân lực là quan trọng nhất
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, có nhiều cán bộ trẻ, có trình độ được bầu vào Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, ông kỳ vọng gì về sức trẻ đó?
So với nhiệm kỳ trước thì rõ ràng số lượng nhân sự trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lần này đã tăng hơn nhiều. Đây là dấu hiệu hết sức đáng mừng cho công tác cán bộ. Nhưng trẻ hóa thì không chỉ ở tiêu chí tuổi, mà còn phải ở “trí tuệ”, trong đổi mới tư duy. Nếu cán bộ trẻ tuổi mà lại không trẻ trung trong tư duy đổi mới, trì trệ thì có khi lại tạo ra lực cản cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên nhìn vào danh sách những người được bầu vào Bộ Chính trị thì tôi có rất nhiều niềm tin. Bởi những con người đó, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã kinh qua rất nhiều những vị trí công tác, và cũng đã tham gia bộ máy lãnh đạo quản lý 2- 3 nhiệm kỳ. Tôi tin rằng đó là những con người trẻ cả về tuổi và trẻ về tư duy đổi mới. Chắc chắn những con người đó sẽ có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Nghị quyết được Đại hội Đảng XII thông qua đề cập đến 6 nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này, theo ông đâu là nhiệm vụ then chốt nhất?
Trong 6 nhiệm vụ được Đại hội Đảng XII xác định thì tôi đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát huy nguồn lực là nhân tố con người. Đây có lẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này là chúng ta phải cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng thành các chính sách, hệ thống pháp luật về phát huy nhân tố con người. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải ban hành các chính sách để thay đổi mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo, nhằm xây dựng ra đội ngũ trí thức, đội ngũ lao động có trí tuệ, sức khỏe, tư duy đổi mới. Đồng thời, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất lao động của người dân, chứ năng suất thấp như hiện nay thì khó mà cạnh tranh được với các nước khác.
Cảm ơn ông.