Trẻ sinh ra ở trại giam sẽ được khai sinh lại

Trẻ sinh ra ở trại giam sẽ được khai sinh lại
TP - Nhiều trẻ em được sinh ra trong trại giam lớn lên khó tránh khỏi mặc cảm khi cầm tờ Giấy đăng ký khai sinh ghi nơi sinh “Trại giam”; tên người đi khai sinh “Giám thị trại giam”. Dấu vết buồn đeo đẳng các em cả đời đã có phương án cởi bỏ.
Ông Trần Thất cho biết, những bé sinh ra ở trại giam sẽ được làm lại đăng ký khai sinh
Ông Trần Thất cho biết, những bé sinh ra ở trại giam sẽ được làm lại đăng ký khai sinh.

Khai sinh, khai sinh lại cho những trẻ em rơi vào hoàn cảnh éo le như trên thế nào, để không ảnh hưởng đến tương lai các cháu? Báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp.

Thưa ông, dư luận đã lên tiếng về những bất cập xung quanh việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong trại giam trong khi pháp luật quy định mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đăng ký khai sinh. Với chức năng của mình, Vụ Hành chính Tư pháp đã có những đề xuất gì để bảo vệ số trẻ em thiếu may mắn này?

Theo quy định, khi một trẻ em sinh ra có thể được đăng ký khai sinh ở 5 nơi: nơi thường trú hoặc tạm trú của người mẹ, nơi thường trú hoặc tạm trú của người cha; trường hợp không xác định được nơi tạm trú, thường trú của người cha, mẹ, thì UBND cấp xã nơi đứa trẻ được sinh ra hoặc đang sinh sống có trách nhiệm đăng ký khai sinh.

Hiện, các Giám thị trại giam ra đăng ký cho các cháu tại UBND xã là đúng thẩm quyền, không có vướng mắc gì, nhưng nội dung ghi trong giấy khai sinh là có vấn đề. Khi đăng ký ở đây, bắt buộc phải ghi nơi sinh là “tại trại giam”, rồi người đi đăng ký là “Giám thị trại giam”.

Những nội dung này, vô tình đã để lại “dấu vết buồn” trong giấy khai sinh của đứa trẻ và sẽ theo đứa trẻ suốt đời.

Hiện cả Bộ Tư pháp và Bộ Công an đều thấy như vậy là không ổn nên chúng tôi đang phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn đăng ký khai sinh cho các cháu.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, văn bản này sẽ được ban hành. Ban hành văn bản này với mục đích chính là xoá những dấu vết kia và giúp cho việc đăng ký khai sinh thuận lợi hơn.

Vậy sẽ xoá những “dấu vết buồn” trên Giấy đăng ký khai sinh của các trẻ em này như thế nào, thưa ông?

Dự kiến sẽ có 2 cách ghi về nơi sinh cho các cháu. Nếu người mẹ thường trú ở Hà Nội mà đang bị giam tại trại giam ở Thanh Hóa, thì sẽ ghi nơi sinh của cháu bé ở Hà Nội.

Như thế, sau này lớn lên cháu sẽ không bị mặc cảm với cái giấy khai sinh ghi nơi mình từng được sinh ra.

Hơn nữa, sau khi người mẹ ra tù khi cần thiết cần xin bản sao giấy khai sinh thì không phải vào tận Thanh Hóa để xin.

Người đi đăng ký khai sinh cháu có thể là ông bà, chú bác, cô dì… Hoặc đăng ký khai sinh theo địa chỉ thường trú, tạm trú của bố.

Và khi cháu bé được sinh ra, cán bộ trại giam phải có trách nhiệm thông báo về cho người thân của người mẹ trong trại giam và đề nghị gia đình đến trực tiếp làm thủ tục đăng ký khai sinh trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được sinh ra.

Hiện có nhiều trường hợp không có nơi nào để đăng ký khai sinh hoặc không liên hệ được với thân nhân của nữ phạm nhân thì thực hiện đăng ký như thế nào? Những trường hợp đã đăng ký rồi sẽ xử lý ra sao?

Trong trường hợp người phụ nữ không có nơi nào để đăng ký, dự kiến cho phép đăng ký tại UBND cấp xã có trại giam đóng trên địa bàn, nhưng phải ghi rõ nơi sinh là ở xã, không ghi ở trại giam.

Người đi đăng ký khai sinh thì không được ghi tên là “Giám thị trại giam”, mà ghi tên người mẹ, mặc dù người mẹ đang thụ án không ra đăng ký được.

Mặt khác, chúng tôi sẽ cho phép cán bộ hộ tịch có thể vào trại giam để đăng ký khai sinh cho các cháu.

Đối với trường hợp trước đây đã trót đăng ký khai sinh ghi tên “Giám thị trại giam”, ghi nơi sinh trại giam, chúng tôi sẽ cho phép đăng ký lại, xóa những dấu vết buồn kia của các cháu.

Xin cảm ơn ông.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, vẫn chưa có một khảo sát nào về tình hình trẻ em sinh ra trong trại giam và chưa có một con số thống kê cụ thể.

Tuy nhiên, phần lớn tại các trại giam, trại tạm giam đều có trường hợp trẻ em được sinh ra và con số luôn biến động. Ở các trại giam lớn thường xuyên có hàng chục trẻ em được sinh ra và nuôi dưỡng.

Tại những trại được giám thị quan tâm thì phần lớn trẻ em được đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi có trại giam đóng trên địa bàn, nhưng vẫn còn những trường hợp trẻ em lớn lên vẫn chưa có tên và chưa được đăng ký khai sinh.

Thực tế, có trường hợp giám thị trại giam đến UBND cấp xã để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ được sinh ra trong trại giam và đã bị từ chối đăng ký khai sinh với lý do người mẹ không có hộ khẩu thường trú.

Hoàng Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.