Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ

Trình diễn truyện ngắn "Con dê bốn mắt"
Trình diễn truyện ngắn "Con dê bốn mắt"
TP - Văn hoá đọc báo động đi xuống nhưng sách vẫn xuất bản vèo vèo, kéo theo đó là trào lưu ra mắt sách đa dạng và náo động. Đánh vào thị hiếu nghe, nhìn của công chúng, những cuộc ra mắt sách văn học thời nay thường ngả màu “tạp kỹ”, âm nhạc, hội họa, sân khấu… yểm trợ cho tác phẩm văn chương.

Kỳ I: Cuộc chơi, bán sách hay… PR?

Việc sân khấu hóa ra mắt sách đã xuất hiện khá lâu trên thế giới. Ở Việt Nam, nhạc sỹ Phú Quang cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã từng đứng ra tổ chức nhiều buổi ra mắt sách, thơ cho nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi với sự kết hợp của âm nhạc.

Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, những cuộc ra mắt sách, thơ được diễn ra rầm rộ ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi được mệnh danh là thánh đường của nghệ thuật, đã thu hút được sự quan tâm của báo chí và dư luận khiến cho một số người ngộ nhận rằng đó là những người đi tiên phong cho trào lưu này.

Rồi lần lượt các cuộc ra mắt sách, thơ gần đây cũng được diễn ra ồn ào với sự kết hợp của âm nhạc, trình diễn khiến cho người ta ngỡ rằng, “tạp kỹ” sách văn chương đang vào mùa nở rộ. Khen nhiều, mà chê cũng không ít.

Nở rộ “tạp kỹ sách”

Tại “Bay cùng Vili” (tối 1/12/2012), ngoài trình diễn thơ, ?lần đầu tiên tuỳ bút của Vi Thùy Linh được đưa lên sân khấu. Tuỳ bút “Cánh đồng cứu rỗi” của nhà thơ 8X này ?đã được NSND Hoàng Cúc thể hiện. Vi Thuỳ Linh cùng NSUT Phạm Cường đã nhập vai đôi uyên ương trong tuỳ bút “Tháng tư thương tháng 8”.

Hay như tuỳ bút “Hà Nội dấu thương” được thể hiện bởi NSND Hoàng Cúc, NSUT Minh Hoà, NSUT Phạm Cường và tác giả Vi Thuỳ Linh trong tiếng đàn cello của nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân.

Nhạc sĩ Ngọc Đại đệm đàn piano cho Thanh Lam hát Dệt tầm gai - bài hát được phổ nhạc từ thơ Vi Thùy Linh, hay Đỗ Bảo đệm đàn cho Tấn Minh hát…

Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ ảnh 1

Màn trình diễn trong lễ ra mắt sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy

Cuốn sách thứ 8 của Vi Thuỳ Linh cũng vừa được ra mắt hoành tráng tại Trung tâm văn hoá Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Chính Vi Thùy Linh tiết lộ, chị đã tìm nhiều cách để qui tụ nhiều gương mặt nghệ sỹ quen biết: NSND Hoàng Dũng, NSND Thuý Hường, NSUT Thu Hà…

Rồi gần đây, công chúng liên tiếp được thưởng thức những “bữa tiệc” văn chương kết hợp sân khấu, âm nhạc. Hồng Thanh Quang với đêm thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” diễn ra ngày 7/11/2013 nhân dịp giới thiệu bộ sách “Nỗi buồn tốc ký” mà tác giả đọc thơ, nghệ sỹ Thúy Mùi ngâm thơ, các ca sỹ Quang Lý, Ngọc Khang, Tuấn Hiệp, Phương Anh, Đàm Vĩnh Hưng… thì hát.

Đỗ Bích Thuý trong buổi giới thiệu hai cuốn sách mới (truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tập tản văn “Đến độ hoa vàng”) cũng có màn trình diễn truyện ngắn “Con dê bốn mắt” do các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện và tản văn “Nơi về” qua sự thể hiện của NSUT Minh Phương và Phương Thuý, Nhà hát chèo Quân đội.

Tại buổi lễ ra mắt sách đó, NSƯT Lương Hùng Việt (giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) đã thổi những làn điệu sáo Mông, Dao… gợi cảm xúc không gian núi rừng vốn quen thuộc trong các sáng tác của Đỗ Bích Thúy.

Đến nhà thơ dân gian Bảo Sinh cũng chứng tỏ mình chẳng thua ai, khi tổ chức rình rang buổi ra mắt sách “Bát Phố” từ chiều tối đến đêm thâu với bữa tiệc âm nhạc gồm những nhân vật tên tuổi: Nhạc sỹ Phú Quang, NSND Quang Thọ, NSUT Dương Minh Đức, NSƯT Thúy Hà, NSƯT Quyền Văn Minh…

Nếu như ẩm thực có sự lên ngôi của những món ăn thập cẩm thì giới thiệu sách cũng có màu “thập cẩm”. Thậm chí trong những buổi ra mắt sách, công chúng còn có dịp thưởng thức hội họa hoặc nghệ thuật sắp đặt.

Mặc lời khen, tiếng chê, kiểu giới thiệu sách văn chương có các loại hình nghệ thuật “tiền hô, hậu ủng” vẫn đang được nhiều tác giả yêu thích. Dù có nhiều ý kiến trái chiều, song “tạp kỹ” giới thiệu sách vẫn đang vào kỳ sôi nổi.

Cuộc chơi, bán sách hay… PR?

Đêm thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” nhân dịp ra mắt hai tập thơ “Nỗi buồn tốc ký” của nhà thơ Hồng Thanh Quang được tổ chức tại Nhà hát Lớn hôm 7/11/2013.

Hoa và rượu sâm panh ngập tràn Nhà hát để bạn bè chúc tụng nhau trong đêm thơ. Bạn bè nhà thơ đã chia sẻ những cảm xúc của mình về một đêm thơ ấn tượng qua facebook và những bài báo.

Thế nhưng, mới đây, khi hỏi về đêm thơ này, nhà thơ Hồng Thanh Quang một mực từ chối: “Tôi không muốn nói gì cả. Tôi không nghĩ rằng, lễ ra mắt thơ hoành tráng thì thơ sẽ oách hơn hoặc mình sẽ ghê gớm hơn. Với tôi, đây là cuộc chơi tôi dành cho tôi và bạn bè mình. Xong là xóa dấu vết ngay. Không muốn luận bàn về nó”.

“Với tôi, đây là cuộc chơi tôi dành cho tôi và bạn bè mình. Xong là xóa dấu vết ngay. Không muốn luận bàn về nó”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

Rồi anh tiết lộ, thật ra anh không hề muốn tổ chức một đêm thơ hoành tráng như vậy. Bởi theo anh, nhiều nhà thơ tên tuổi hơn, thơ hay hơn còn chưa làm được, huống hồ là mình. Chẳng qua, trong một cuộc vui, bạn bè yêu quí anh cứ nhất định muốn tổ chức cho anh một đêm thơ, thế là anh bèn đồng ý.

Anh quan niệm: “Thơ đâu cần khuyếch trương, cũng chẳng cần trình diễn màu mè. Để viết ra một bài thơ, nhà thơ phải vất vả lắm, phải rút ruột mình và thậm chí còn chịu nhiều đau đớn mới ra được một bài thơ. Chứ một đêm thơ cũng chả nói lên được điều gì.

Thực ra, nhà thơ khi viết xong một bài thơ là hết trách nhiệm. Bởi họ viết là viết cho mình, đúc rút ra từ tình cảm riêng tư của mình, con người mình. Nếu có ai đồng cảm thì rất quí, chứ đừng nên ảo tưởng rằng mình viết thơ cho nhân loại…”.

Cũng coi ra mắt sách là một cuộc chơi, nhưng nhà thơ dân gian Bảo Sinh kiêm chủ “khách sạn chó, mèo” với cách nhìn nhanh nhạy của người làm kinh doanh, ông đã nhân dịp này… bán sách.

Ông cho biết: “Tôi thấy những buổi ra mắt sách trước nay đều bị khuôn sáo, mỏi mệt vì thế tôi muốn ra mắt sách theo hướng tự nhiên, thu hút hơn, bứt phá “khuôn mẫu”. Trong buổi ra mắt sách hôm đó tôi bán được khoảng 200 cuốn sách”.

Một cuốn sách hiện nay thường được in khoảng 1.000 bản, ngay trong buổi ra mắt tập tản văn “Bát phố”, ?Bảo Sinh đã tiêu thụ được một phần năm số sách xuất bản, kể ra cũng là nhiều, nhất là tản văn thời nay không hề dễ bán.

Nhưng có lẽ thắng lợi hơn cả về mặt ấn tượng và tên tuổi trong những buổi giới thiệu sách chính là Vi Thuỳ Linh. Giờ đây, khi nhắc đến những cuộc trình diễn văn chương, người ngoài cuộc nghĩ ngay đến ViLi với những cái “nhất” và “đầu tiên”, còn người trong giới thì cười khẩy.

Tuy nhiên, lợi bất cập hại, chính sự rùm beng của các buổi trình diễn văn chương của cô đã phần nào khiến cho tác phẩm của nữ thi sĩ ở dạng nguyên thuỷ bị nhạt nhoà.

Kỳ II: Cứ trình diễn cho vui

(Mời độc giả đón xem trên TPCN số 145 ra ngày 25/5/2014)

MỚI - NÓNG